Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Những tia nắng trong đời

Tập 1

Thị trấn, nhà Nụ ( ngoại, nội – ngày )
   Đó là một thị trấn nhỏ yên bình, lác đác mới có những ngôi nhà cao tầng, còn chủ yếu là những ngôi nhà mái bằng, nhà cấp bốn. Cư dân ở đây ít, nên xe cộ qua lại thưa thớt. Những cửa hàng, cửa hiệu lác đác khách. Phần lớn chủ hàng đều ngồi ngóng ra đường với khuôn mặt thẫn thờ, chờ đợi.
   *Nhà Nụ:
   Một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm ven đường. Tường tróc nham nhở với những dòng chữ viết bậy bạ nguệch ngoạc của trẻ con. Mái ngói rêu phong, đôi chỗ đã được thay thế bằng những mảnh phi bờ rô xi măng. Trong nhà mọi vật dụng đều cũ kỹ. Sáng giá nhất là chiếc tivi để trên tủ buýp phê và chiếc máy khâu kê ở phòng ngoài vừa làm nơi ở vừa làm nơi may quần áo và giao dịch, bộ bàn trà. Những bức tranh ảnh diễn viên, người mẫu được cắt dán treo la liệt trên tường.
   Nụ ở nhà một mình và đang ngồi cặm cụi may quần áo gia công. Đó là một cô gái 18 tuổi, có vẻ mặt đẹp thánh thiện, hiền lành đến mức cam chịu. Cô ăn mặc rất giản dị với bộ đồ mỏng trong nhà, mái tóc dài xoã trên đôi bờ vai tròn làm cho cô càng dịu dàng thêm. Nụ làm việc một cách cần cù. Những mảnh vải dần hình thành chiếc áo dưới bàn tay cô. Không gian chỉ tồn tại tiếng máy khâu lạch xạch, tiếng kéo cắt chỉ, cắt rẻo vải thừa lách cách. Dưới nền nhà một đống áo đã được cô may xong.
   Chợt có tiếng người tranh cãi. Nụ nhìn ra thấy ông Duân ( bố dượng  Nụ 50 tuổi) và bà Lài (mẹ ghẻ, 45 tuổi) đang trở về trong tình trạng say khướt. Họ vừa đi khật khưỡng vừa líu lưỡi cãi nhau về một con đề.
   Ông Duân tay cầm chai rượu vung vẩy, đi loạng quạng, miệng líu lô:
          -Đã bảo...chơ...ơ...ơi con 64 mà lại không chịu, lại cứ đánh cố con 46, giờ đã trắng mắt ra chưa?
   Bà Lài hai tay cũng vung vẩy, bước chân loạng quạng:
          -Thờ...ờ...thế sao ngay lúc đầu...ô...ông không nói ngay đi, giờ lại lên giọng thánh tướng?
   Ông Duân trừng mắt:
          -Lại không bảo à...Tôi đã bảo rồi còn gì...mọi hôm ra khỏi nhà, lúc nào bà cũng đi sau tôi...hôm qua tự dưng đốc chứng từ sau lại lao ra đi trước...đấy là ý Thánh ngầm bảo, từ sau nghĩa là sáu tư...hiểu chưa?
   Bà Lài sực nhớ, nói giọng tiếc;
          -ừ nhỉ...chả trách hôm qua tôi ghi con 46 mà tay cứ run lên như phải gió...
          -Thì thánh cản chứ còn gì...
   Bà Lành xuýt xoa:
          -Thế là đi toi cả triệu bạc, nếu không giờ mình đã thành tỷ phú rồi.
   Thấy hai người liêu xiêu, vừa đi vừa dúi dụi, Nụ thở dài buông máy đứng dậy đi ra:
          -Dượng và dì về rồi ạ...
   Bà Lài trừng mắt:
          -Khô...ô...ông nhìn thấy hay sao mà còn hỏi. Vào lấy bình nước lọc ra đây.
   Nụ đỡ bố dượng đi vào, tới nơi ông Duân gần như buông người xuống nền nhà nằm thở dốc rồi ngay lập tức ngáy ò ò.
   Bà Lài ngồi xuống ghế, chân ghếch lên, thuận tay bấm chiếc quạt điện quay vù vù, rồi phanh áo hứng gió ra vẻ nóng.
   Nụ rót nước mời:
          -Con mời dì...
   Bà Lài hờ hững cầm cốc nước, uống một ngụm, súc òng ọc nuốt ực, rồi uống cạn cốc nước. Bà nhìn đống áo trừng mắt rít lên:
          -Từ sáng tới giờ mày làm gì mà chỉ may được chừng này thôi hả, con ranh kia?
   Nụ vẻ mặt cam chịu, đáp lễ phép:
          -Máy khâu bị hỏng, con phải sửa một lúc, nhưng con cũng đã may được hơn một chục cái rồi.
   Bà Lài rít lên:
          -Im mồm! Tao đã bảo cái gì thì chỉ có đúng trở lên, cấm không được cãi, ngồi mà may ngay đi, tới giờ còn dậy mà đi nấu cơm.
   Nói xong bà vung vẩy đi vào nhà trong. Nụ thở dài nhìn theo rồi buồn bã ngồi vào làm việc tiếp. Ông Duân chợt cựa mình thức giấc gắt gỏng:
          -Làm gì mà ồn thế, để cho tao ngủ. Nghỉ đi, đừng may nữa.
   Bà Lài từ trong ngó ra, to giọng:
          -Nghỉ thì lấy gì mà cho vào họng. Sáng mai phải giao hàng cho người ta rồi đấy. Cái Nụ cứ làm đi.
   Nụ im lặng ngồi tiếp tục may áo, tiếng máy khâu lạch xạch một cách ngập ngừng vì sợ bị dượng mắng.
*
*        *
Thành phố, nhà Phú Râu quặp ( nội – ngày )
   Thành phố đông đúc nhộn nhịp.
   Một ngôi nhà bề thế ở một khu phố sầm uất trong thành phố. Trong nhà mọi đồ dùng tiện nghi đều sang trọng đắt tiền.
   Phú Râu quặp là một gã đàn ông 55 tuổi, có bộ râu nhọn hoắt quặp xuống trông như râu dê. Hắn có cái đầu hói bóng láng, đôi mắt nhỏ giảo hoạt và đôi môi thâm sì vì nghiện ma tuý, chỉ hé ra một tí khi nói, còn lúc nào cũng mím chặt một cách khắc nghiệt.
   Phú đang nói chuyện với Toàn Gấu ( 45 tuổi ). Đó là một gã đàn ông to lớn như hộ pháp, vẻ mặt bặm trợn, chuyên đi đòi nợ thuê.
   Hai người đang vừa nói chuyện vừa nốc rượu.
   Phú tợp hớp rượu, quẹt miệng:
          -Chú mày làm sao được việc, về đây anh thưởng đậm. Nhớ chưa.
   Toàn Gấu nhanh nhẩu:
          -Em nhớ rồi. Đảm bảo với ông anh khi thằng em này đã mó tay làm việc gì thì chỉ có mà đẹp như lụa trở lên.
   Phú cười vẻ hào hứng:
          -Được rồi, anh chờ đấy. Cho chú mày ứng trước một ít mà đãi lũ đàn em.
   Toàn Gấu nhanh nhẩu đón lấy xấp giấy bạc từ tay Phú:
          -Em xin!
          -ừ, khẩn trương lên nghe chưa? Gì thì gì cũng phải tìm mọi cách để đưa nó về đây cho tao.
          -Dạ, em cho lũ đàn em triển khai ngay.
   Phú nhìn theo Toàn ra khuất, rồi rót thêm ly rượu nữa, uống một ngụm rồi xoay xoay ly rượu trong tay, mắt nhìn lên tấm hình một nữ tài tử khoả thân treo trên tường với ánh mắt đê mê.
*
*        *
Thành phố, trong một căn phòng ( nội – ngày )
   Trong một căn phòng nhỏ ánh sáng nhợt nhạt, có kê một chiếc giường. Oanh (18 tuổi) đang nằm yên nhắm nghiền mắt để mặc cho gã đàn ông muốn làm gì thì làm. Gã khách làng chơi hùng hục ngấu nghiến cô. Một lát sau, gã đàn ông kia ngã lăn sang một bên thở hồng hộc. Oanh liền vùng dậy ôm quần áo đi vào nhà tắm. Gã đàn ông vừa thở vừa đờ đẫn nhìn theo cô gái với vẻ mặt đầy thoả mãn.
   Oanh trở ra, quần áo, tóc tải đã chải chuốt trở lại. Trông cô khá xinh đẹp, nhưng vẻ mặt lạnh lùng phớt đời. Cô thản nhiên chìa tay:
          -Trả tiền cho tôi về.
   Gã đàn ông nhăn nhở:
          -Gì mà vội thế cô em. Để anh nghỉ ngơi một lát rồi ta tiếp tục.
   Oanh vẫn lạnh lùng:
          -Thôi đi, để dành hơi sức về mà đổ cho vợ. Tôi phải đi đây.
   Gã đàn ông nằn nì:
          -Thì ngồi xuống đây một lát đã ( vừa nói hắn vừa kéo tay cô ngã vào người hắn để tranh thủ sàm sỡ ).
   Oanh giằng trở lại trừng mắt:
          -Có buông ra không. Đưa tiền đây.
   Gã đàn ông tiu nghỉu, móc ví đưa tiền cho cô. Oanh thản nhiên đút mấy tờ giấy bạc vào ngực rồi đi ra. Gã đàn ông bực mình:
          -Mẹ, đã làm đĩ còn kiêu...
   Vừa bước ra ngoài, nghe vậy Oanh bước trở lại chỉ tay vào mặt ông ta:
          -Này nói cho nhà ông biết, những đứa ăn nằm với đĩ thì còn quá đĩ nhé.
   Gã đàn ông hốt hoảng, nhưng vẫn cố gượng cười:
          -ấy ấy...anh đùa một tí cho vui, gì mà cô em nóng tính thế.
   Oanh trừng mắt nhìn hắn, khiến người đàn ông bối rối nhìn tránh đi nơi khác. Bĩu môi một cách khinh bỉ, Oanh đóng sập cửa lại rồi bỏ đi.
*
*        *
Đường phố ( ngoại – ngày )
   Trong một quán nước Toàn gấu đang ngồi với mấy đứa đàn em. Trông thấy Oanh đang đi tới, Toàn gấu vẫy tay gọi:
          -Ê...Oanh!
   Nghe tiếng gọi, Oanh ngoảnh lại nhìn, thấy Toàn gấu cô hơi ngần ngại nhưng buộc lòng phải bước tới:
          -Dạ...ông gọi cháu?
   Toàn cười hềnh hệch:
          -Thế nào, hôm nay làm ăn có khá không?
   Oanh ấp úng:
          -Dạ...từ tối hôm qua tới giờ cháu chưa đi khách...
   Toàn cau mày:
          -Nói láo! Chính mắt tao vừa trông thấy mày từ trong kia ra mà bảo không đi khách à?
   Hắn đưa mắt nhìn thấy một mẩu giấy bạc thò ra ở ngực áo của Oanh liền đưa tay rút ra mấy tờ giấy bạc giơ lên:
          -Cái gì đây?
   Oanh lấm lét nhìn Toàn rồi van xin trong nước mắt:
          -Cháu xin ông, bố mẹ cháu ở quê đang ốm nặng, cháu chỉ có chừng này định gửi về cho bố mẹ em mua thuốc. Xin ông đừng lấy của cháu...
          -Bố mẹ mày đau gì?
          -Dạ, bố cháu bị ung thư phổi, còn mẹ cháu đi phụ hồ bị ngã gãy cột sống, các em của cháu còn nhỏ chưa làm được gì, xin ông thương mà tha cho cháu...
          -Mày kêu khổ để qua mắt tao đấy à?
   Oanh nước mắt vòng quanh:
          -Nếu cháu nói sai cháu xin chịu tội với ông. Quả thực là bố mẹ cháu đang ốm nặng thật mà!
   Vẻ mặt Toàn gấu có chút gì đó lay động, hắn trả lại tiền cho Oanh:
          -Tao đùa đấy. Cầm lấy mà gửi về cho bố mẹ mày...
   Oanh vui sướng cầm lại tiền:
          -Cháu xin ông! Cháu cảm ơn ông...
   Nói xong Oanh vội đi. Toàn gấu nhìn theo Oanh rồi gọi giật lại:
          -Oanh! Đứng lại tao bảo.
   Đang cố bước đi cho nhanh, nghe Toàn gấu gọi, Oanh giật bắn mình, đứng lại:
          -Dạ...
   Toàn gấu lừ lừ bước tới, Oanh thấy vậy hoảng sợ bước giật lùi, bàn tay cầm mấy tờ giấy bạc giấu sau lưng. Toàn gấu chăm chú nhìn Oanh rồi nói:
          -Gì mà cuống lên thế. Tao không ăn thịt đâu mà sợ. Tiền đâu rồi?
   Oanh mếu máo:
          -Cháu xin ông đừng lấy của cháu!
   Toàn gấu trừng mắt:
          -Đã bảo là đưa đây.
   Oanh luýnh quýnh đưa số tiền cho Toàn, cô nức lên:
          -Ông ơi...bố mẹ cháu chết mất...
   Toàn hỏi lạnh lùng:
          -Bao nhiêu đây?
          -Dạ...hai trăm...
   Toàn gấu thản nhiên đút số tiền vào túi áo mình. Oanh nhìn theo với ánh mắt kinh hoàng. Nhưng liền đó, Toàn gấu móc trong túi quần ra một xấp tiền, hắn rút ra bốn tờ giấy bạc loại mệnh giá 500.000 đồng đưa cho Oanh:
          -Hai trăm nghìn thì làm được cái gì. Tao cho mày hai triệu mà gửi về quê chữa bệnh cho bố mẹ mày.
   Oanh bất ngờ há hốc mồm nhìn tiền và nhìn Toàn gấu. Cô lo lắng hỏi:
          -Ông cho cháu thật ạ?
          -Bộ mày tưởng tao nói đùa cho vui à ( hắn dịu giọng ) – Cầm lấy rồi ra bưu điện mà gửi về cho bố mẹ đi.
   Oanh rón rén cầm tiền, nói lí nhí xúc động:
          -Cháu cảm ơn ông!
          -ừ, đi đi...
   Trong khi Toàn gấu và Oanh nói chuyện, lũ đàn em đứng giương mắt nhìn. Khi Oanh đi, một thằng hỏi Toàn gấu:
          -Sao đại ca lại cho nó tiền ạ?
   Toàn gấu nhìn theo bóng Oanh đang đi khuất:
          -Vì tao thấy nó khổ quá ( trầm ngâm một lúc, hắn nói nhè nhẹ buồn buồn ) – Nhìn nó tao lại nhớ con tao. Khi tao vào tù, con gái tao mới một tuổi. Bây giờ nếu còn sống nó cũng khoảng chừng này rồi.
          -Sao anh không đi tìm vợ con ạ?
   Toàn lắc đầu buồn bã:
          -Tao cũng đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng không biết số phận vợ và con gái tao thế nào nữa.
   Thấy Toàn buồn, lũ đàn em đưa mắt nhìn nhau ra hiệu đừng làm cho hắn buồn thêm nữa.
   Trong khi đó, Oanh được Toàn gấu cho tiền, cô thích quá nhưng cố kìm nén, khi đi được một quãng Oanh lấy tiền ra xem lại sung sướng cười và lẩm bẩm một cách thích thú:
          -Lõi đời như Toàn gấu mà vẫn bị mình cho ăn một quả lừa.Sướng thế!
   Cô cười một cách thích thú rồi nhét tiền vào ngực, vẻ mặt đầy sự hả hê.
*
*        *
Chợ cóc ( ngày )
   Khu chợ khá đông đúc với người mua kẻ bán. Trên những lối đi hẹp, người ta chen nhau đi lại. Không gian khá ồn ào nhộn nhịp và chật chội.
   Tiến Chỉa (22 tuổi) mặc bộ đồ quần áo bộ đội, mũ cối úp sụp để giấu đôi mắt đang đảo điên tìm mồi. Chợt hắn trông thấy một người có vẻ thôn quê, trông lam lũ khắc khổ vừa bán xong một đôi gà. Chị ta vui mừng đút tiền vào túi rồi cắp rổ tong tả đến một quầy hàng để mua vài thứ lặt vặt. Đôi mắt của Tiến Chỉa sáng lên. Hắn bám theo người đàn bà, khi chen qua một lối hẹp, trong nháy mắt chỉ bằng hai ngón tay khéo léo, Tiến đã móc được số tiền của người đàn bà kia. Chợt có tiếng người kêu to:
          -Móc túi, có thằng móc túi. Bắt lấy nó...
   Tiến Chỉa lập tức lách qua những người đi chợ và chạy thục mạng. Những người dân đuổi theo, vừa đuổi vừa hò hét khiến khu chợ náo loạn...Tiến hộc tốc chạy, thỉnh thoảng hắn lại phải đưa tay lên đỡ những cây gậy, nắm đấm nện xuống người.
*
*        *
Bưu điện (nội, ngoại –ngày )
   Oanh đang trong bưu điện.
   Chợt có tiếng náo loạn, Oanh nhìn ra thấy Tiến Chỉa đang bị mọi người đuổi theo gấp gáp. Oanh hoảng hốt nhìn theo, suy nghĩ giây lát cô chạy nhanh tới chỗ Toàn gấu và đồng bọn đang ngồi:
          -Ông Toàn ơi, cứu giúp cháu với...
   Cả bọn đang ngồi uống bia, nghe vậy ngoảnh lại. Toàn gấu hỏi dồn:
          -Cái gì?
   Oanh chỉ tay về phía trước:
          -Tiến Chỉa đang bị đuổi. Các ông cứu giúp anh ấy với...
   Theo tay Oanh, bọn chúng nhìn thấy Tiến Chỉa đang chạy hộc tốc, phía sau là một đám người vừa đuổi vừa la hét. Toàn gấu khoát tay ra lệnh:
          -Lên xe!
   Cả bọn nhảy lên chiếc xe Jeep của Toàn. Chiếc xe lao tới phía sau tốp người đang đuổi theo Tiến buộc tốp người phải dãn ra để nhường đường cho xe của Toàn. Toàn lái xe chạy sát bên Tiến hét to:
          -Nhảy lên mau.
   Đang chạy lử lả, nghe tiếng kêu, Toàn ngoảnh lại thấy chiếc xe Jeep mui trần của Toàn chạy sát bên cạnh, anh ta mừng quýnh vội bám lấy thành xe rồi nhảy lên.  Chiếc xe tăng tốc chạy thoát để lại đám người tức tối chửi rủa và đưa nắm đấm doạ theo.
*
*        *
Xóm bãi, phòng Tiến Chỉa ( ngoại, nội – ngày )
   Đó là một khu nhà tồi tàn, thấp lè tè của những người lao động bình dân nằm ở ven sông.
   Căn phòng của Tiến Chỉa đơn sơ và bề bộn với những bộ quần áo bẩn thỉu treo lòng thòng, những tờ báo dán tường rách bong tróc nham nhở.
   Tiến Chỉa đang nằm trên giường, mặt mũi tay chân bầm giập sây sát.
   Oanh ngồi bên cạnh, cô đang dùng bông sạch thấm nước lau những vết thương cho Tiến. Thỉnh thoảng do nước làm xót, Tiến khẽ rên lên một tiếng, mặt nhăn lại đau đớn, Oanh lập tức dừng tay và dỗ dành:
          -Yên nào, chịu khó một tí, sắp xong rồi...
   Cô tiếp tục lau cho anh một cách ân cần và nhẹ nhàng. Lát sau Tiến Chỉa thiu thiu ngủ. Oanh lặng ngắm nhìn Tiến với ánh mắt đầy yêu thương trìu mến. Lát sau cô nhẹ nhàng cúi xuống hôn lên má Tiến. Thấy động, Tiến mở bừng mắt, trông thấy Oanh hôn mình, anh cau mày gắt:
          -Làm cái gì thế?
   Tiến đưa tay lau lên chỗ hôn của Oanh rồi ngoảnh vào tường ngủ tiếp. Oanh bị hẫng hụt. Cô ngồi ngẩn người buồn bã.
   Chợt từ ngoài bà Chín Mập (50 tuổi) trên tay bê bát cháo còn bốc khói đi vào:
          -Thằng Tiến đâu rồi, dậy mà ăn cháo đi con.
   Oanh vội đưa tay ra hiệu:
          -Nói nhỏ thôi thím, anh ấy vừa ngủ được một lát.
   Bà Chín để bát cháo lên chiếc bàn gần đó, nhìn Tiến chép miệng nói như thở than:
          -Tao đã bảo nhiều lần rồi, bỏ cái nghề chôm chỉa ấy đi, thất đức lắm, rồi cũng có ngày người ta bắt được, người ta đánh chết...
   Oanh van vỉ:
          -Thôi mà thím, để lúc khác hãy nói, giờ để cho anh ấy ngủ một lát đã.
   Thím Chín sực nhớ:
          -ờ, mà tao còn bận làm hàng. Nhớ lát nữa nó dậy thì con hâm lại cháo cho nó ăn nhé.
          -Vâng, thím cứ để lát nữa con làm.
   Thím Chín quay ra. Oanh lại tiếp tục nhìn ngắm Tiến với ánh mắt nồng nàn đầy vẻ yêu thương. Sau đó cô đứng dậy dọn dẹp căn phòng bừa bộn của Tiến.
   Chợt từ căn phòng của ông Tư Móm (60 tuổi, làm nghề hát xẩm) vang lên tiếng đờn ca vọng cổ bài Dạ cổ hoài lang:
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đường
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luôn trông tin chàng
Ôi gan vàng thêm đau
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu luôn trông tin chàng
Lòng xin chớ phũ phàng...”
   Tiếng đàn ca của ông nghe buồn buồn xao xuyến.
   Oanh chợt thở dài nhìn sang phía bên ông Tư. Ông đang ngồi ở bậu cửa, cây đàn ghi ta phím lõm đã cũ kỹ trên tay ông đang rung lên những nốt xề, xang cống...Oanh ngoảnh lại nhìn Tiến Chỉa với ánh mắt đầy nồng nàn yêu thương.
   Nghe tiếng đàn, Tiến cũng từ từ mở mắt rồi ngồi dậy. Anh lẩm bẩm:
          -Trời! Hôm nay ông Tư đàn sao nghe buồn và hay quá!
   Thấy Tiến tỉnh dậy, Oanh mừng quýnh, vội nói với Tiến:
          -Anh dậy rồi à? Thím Chín Mập đưa sang cho anh bát cháo, để em đun lại cho nóng anh ăn.
   Tiến khoát tay, lắc đầu:
          -Không cần đâu.  Cứ để đó, khi nào muốn ăn tự tao đun lấy cũng được.
   Oanh buồn bã:
          -Anh cứ để em làm, chỉ một loáng là xong thôi mà...
   Tiến cau mày:
          -Đã bảo không là không, mày về đi, để cho tao nghỉ.
   Oanh buồn bã đứng lên:
          -Vâng!
   Cô định đi ra, Tiến hỏi:
          -à, ban nãy làm sao mày trông thấy tao mà gọi lão Toàn gấu ấy cứu?
   Nghe Tiến hỏi, Oanh vui vẻ khoe:
          -Lúc đó em đang trong bưu điện để gửi tiền về nhà. Nghe ồn ào, nhìn ra thấy anh đang bị người ta đuổi nên em nhờ Toàn gấu cứu giúp.
   Tiến hỏi nghi ngờ:
          -Mày nói thế nào tao không hiểu. Mày gửi tiền về nhà nào? Mày làm gì có nhà mà gửi?
   Oanh cười thích thú:
          -Thế mới nói. Chả là em sợ Toàn gấu lấy mất tiền của em, nên em lừa hắn là bố mẹ em ở quê bị bệnh gần chết. Thế mà không ngờ được việc, hắn không lấy tiền của em mà còn cho em hai triệu nữa.
   Tiến nhếch mép cười:
          -Chà, cái con bé này, dám lừa luôn cả Toàn gấu thì tao cũng chịu. Coi chừng hắn mà biết bị lừa thì hắn giết đi đấy.
   Oanh cười toe toét:
          -Anh mà không nói thì thôi, làm sao hắn biết được.
   Tiến phẩy tay:
          -Thôi, mày về đi, để yên cho tao nghỉ.
   Oanh tiu nghỉu:
          -Anh không hỏi em gì nữa à?
          -Không.
          -Thế để em hâm lại cháo cho nóng anh ăn nhé.
   Tiến gắt:
          -Đã bảo không cần là không cần. Hỏi mãi. Về đi!
   Oanh ngậm ngùi ra về. Trong khi đó tiếng đờn ca của ông Tư vẫn tiếp tục vang lên
“...Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thủa đó sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai
Là nguyện cho chàng
Hai chữ bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi”.
   Oanh bước ra khỏi phòng Tiến, hướng cái nhìn buồn bã về phía ông Tư đang ngồi đàn. Cô thở dài rồi đi về phòng mình...
*
*        *
Khu trọ, phòng Oanh ( ngoại, nội – ngày )
   Từ phòng của Tiến Chỉa, Oanh trở về phòng mình. Đó là một căn phòng trông khá diêm dúa và trau chuốt. Một chiếc giường khá sạch sẽ phủ ga, một chiếc bàn trên có chiếc ti vi, vài bộ quần áo may khá hợp mốt, bộ bàn ghế trang điểm, son phấn...
   Oanh lấy trên dây phơi xuống một bộ đồ đàn ông. Cô là ủi quần áo cẩn thận trước khi gấp lại. Cứ mỗi lần gấp xong một thứ, cô lại nâng lên ngang tầm mắt ngắm nghía một cách say mê, mắt cô ánh lên tia hạnh phúc và cô nhẹ nhàng đặt lên đó một nụ hôn...
   Sau khi gấp xong đồ, Oanh ngả mình xuống giường, vẻ mặt đầy mơ màng khi nghĩ lại cảnh cô vừa chăm sóc Tiến.
   Chợt có tiếng điện thoại di động, Oanh cau mày nhìn số rồi nghe:
          -A lô!
   Tiếng bên kia nói gì đó, nhưng cô vẫn kiên quyết lắc đầu:
          -Bảo với lão ấy hôm nay tôi mệt!
   Tiếng đầu dây:
          -Hay là chị cho người tới đón. Hắn bảo sẽ trả cho em một triệu.
   Oanh nói như gắt:
          -Chị bảo với hắn là hôm nay tôi mệt, không tiếp được. Một triệu chứ mười triệu tôi cũng chịu.
   Nói xong Oanh chủ động tắt máy. Cô lại mơ màng hình dung cảnh đang chăm sóc Tiến Chỉa. Khoé môi cô đọng một nét cười hạnh phúc.
   Chợt có tiếng bước chân. Oanh nhìn ra thấy Tiến đi vào, cô vui mừng dậy đón:
          -Anh dậy rồi à? Anh đã ăn cháo chưa?
   Tiến mặt mũi hầm hầm hỏi:
          -Mày lấy quần áo của tao về giặt phải không?
   Oanh ấp úng:
          -Vâng! Em thấy quần áo của anh để mấy ngày chưa giặt, em sợ hỏng nên đem về giặt giúp.
          -Đâu rồi?
   Oanh lấy bộ quần áo đã gấp là cẩn thận đưa cho Tiến:
          -Đây ạ!
   Tiến cầm như giật lấy rồi nói cộc cằn:
          -Lần sau tao không khiến mày giặt giúp tao như thế này nữa, nghe chưa?
   Không chờ Oanh kịp phản ứng, Tiến hầm hầm quay đi. Oanh nhìn theo Tiến cho tới khi anh bước vào phòng đóng sập cửa lại, cô quay trở vào nằm vật xuống giường khóc nức nở.
*
*        *
Thị trấn, nhà Nụ ( ngoại, nội – ngày )
   Nở (17 tuổi, Con gái vợ chồng Duân-Lài. Đó là một cô gái có vẻ đẹp thực dụng, lẳng lơ) đang được một thanh niên ( tên Hoạch, 25 tuổi ) đèo xe máy về. Cô ta ôm ghì lấy chàng thanh niên một cách đầy âu yếm.  Xe tới trước cửa, Nở xuống xe, nói quyến luyến:
          -Hay là vào nhà em chơi đã.
   Hoạch lắc đầu vẻ ngại ngần:
          -Thôi để khi khác, anh vào ngại bố mẹ em lắm.
   Chợt anh ta nhìn thấy Nụ đang ngồi cặm cụi may đồ, ánh mắt anh ta sáng lên với cái nhìn chiêm ngưỡng. Phát hiện ra điều đó, vẻ mặt Nở lộ rõ vẻ ghen tuông và hằn học. Nở liền nói như xua đuổi Hoạch:
          -Thôi anh về đi, để lúc khác vào cũng được.
   Hoạch đành nói vẻ tiếc nuối:
          -ừ thôi, anh về nhé. Tối nhớ ra đường chờ, anh đón.
   Hoạch rồ ga phóng xe đi. Nở nhìn theo vẻ tức tối hờn ghen:
          -Thấy gái là tít mắt.
   Nở đi vào một cách hậm hực. Trông thấy Nở, Nụ ngừng may ngẩng lên chào:
          -Nở về rồi hả em?
   Nở không trả lời, buông cái túi xuống bàn, ngồi phịch xuống:
          -Chị có tiền không?
   Nụ ngại ngần:
          -Chị chỉ còn một ít...
   Nở xoè tay:
          -Cho em vay hai trăm.
   Nụ hơi giật mình:
          -Chị làm gì có nhiều thế, hôm nọ em vay của chị một trăm rồi, giờ chỉ còn mấy chục...
   Nở cau mày, nói gắt gỏng:
          -Vay thì em trả, chẳng thèm ăn không của chị đâu. Còn bao nhiêu đưa em vay hết.
   Nụ lấy ra một túi vải buộc nút cẩn thận mở ra. Nở liền xông đến giật lấy cái túi:
          -Đưa em xem.
   Cô ta lục túi lấy ra một tờ năm mươi nghìn, một tờ hai chục và một tờ hai nghìn, thấy vậy Nở bĩu môi:
          -Chả đủ hát một tối.
   Nở lấy bảy chục, còn tờ hai nghìn quẳng trả Nụ:
          -Chị cất hai nghìn này đi, cần gì mà tiêu.
   Chợt có tiếng bà Lài hét từ trong phòng:
          -Trời ơi, mấy trăm nghìn của tao, đứa nào lấy cắp rồi hả.
   Nghe tiếng bà Lài hét, cả Nụ và Nở đều giật mình nhìn lại. Bà Lài từ trong buồng lao ra mặt mũi phừng phừng:
          -Đứa nào, đứa nào lấy tiền của tao thì trả lại ngay, nếu không thì đừng có trách là bà độc ác.
   Bà trừng trừng nhìn Nụ:
          -Mày phải không?
   Nụ sợ hãi:
          -Con có biết tiền dì để ở đâu đâu ạ.
   Bà Lài rít lên:
          -Tiền tao để trong túi áo treo ở móc. Ban sáng thay đồ tao quên không cất đi, giờ về lục chẳng thấy đâu.
   Nụ lắc đầu nói lí nhí:
          -Thế thì con không biết. Từ sáng tới giờ con chỉ ngồi đây may, chưa vào nhà khi nào.
   Bà Lài quắc mắt nhìn Nở:
          -Mày lấy của tao phải không?
   Nở nhìn mẹ một cách xấc xược:
          -Con biết tiền của mẹ ở đâu mà lấy.
   Bà Lài gào lên:
          -Không mày thì còn ai vào đây nữa. Đã mấy lần mày thó tiền của tao rồi. Trả ngay tiền đây cho tao.
   Nở dẫm chân lịch bịch, nước mắt vòng quanh, nói như gào lên:
          -Nhưng lần này thì con không lấy. Con đi chơi từ tối hôm qua tới giờ mới về, chưa kịp vào nhà thì làm sao mà lấy tiền của mẹ được.
   Bà Lài ngớ người ra, rồi bà đột ngột bước tới chỉ tay vào mặt Nụ:
          -Thế thì chỉ có mày thôi. Từ sáng tới giờ chỉ có mỗi mình mày ở nhà, không ai vào đây cả.
   Nụ sợ hãi lùi lại để tránh ngón tay của dì ghẻ:
          -Con...thực là con không biết...từ sáng tới giờ con không vào buồng của dì.
   Bà Lài xấn tới túm tóc đánh tới tấp lên người Nụ, miệng rít lên:
          -Đã ăn cắp còn già mồm hả. Này thì không biết này...này thì không biết này...
   Vừa chửi, bà ta vừa đánh và lôi kéo Nụ khiến mái tóc của cô bị rối tung, mặt mày vấy máu. Nụ không dám chống đỡ, chỉ một mực kêu xin:
          -Con xin dì...con không biết tiền của dì để ở đâu cả...
   Nghe tiếng ồn ào, ông Duân thức giấc lồm cồm bò dậy:
          -Cái gì thế?
   Bà Lài vừa thở hồng hộc vừa tru tréo:
          -Còn gì nữa, mấy trăm bạc tôi để trong túi áo, giờ về lục chẳng thấy đâu. Hỏi,  nó còn chối không lấy...này thì không lấy này...
   Vừa nói bà vừa tiếp tục đánh Nụ dúi dụi.
   Nụ nhìn dượng với ánh mắt cầu xin van vỉ:
-Dượng ơi...con không lấy tiền của dì thật mà.
   Ông Duân tỉnh hẳn đứng dậy can ngăn:
          -Sao bà lại đánh nó. Có phải đây là tiền của bà không?
   Ông Duân lục túi lấy ra mấy tờ giấy bạc đưa cho vợ. Bà Lài hơi sững người, mắt sáng lên, buông Nụ ra vồ lấy tiền, mừng rỡ:
          -Đúng là tiền của tôi đây rồi. Ông lấy lúc nào mà tôi không biết?
          -Sáng nay trước khi đi, bà chả đưa cho tôi bảo cầm giúp kẻo con mẹ ghi đề nó đòi nợ mất là gì?
   Bà Lài sực nhớ cười ngượng nghịu:
          -ờ nhỉ, cái đầu mình dạo này sao lú lẫn thế không biết. Ơ mà sao lại thiếu mất hai chục?
   Ông Duân cười ngượng, tay xoa đầu rối rít:
          -Lúc sáng bà đang buôn chuyện với mấy mụ bạn, tôi cũng tranh thủ làm bát tiết canh...nên...
   Bà Lài dẫm chân kêu lên:
          -Hễ cứ thấy tôi hở tiền ra là thế nào ông cũng tìm cách ăn bớt. Hừ...không con thì cha...các người đúng là đồ ăn hại đái nát...Con Nở đâu.
   Từ nãy tới giờ Nở ngồi nhìn mọi người với ánh mắt bàng quang. Nghe mẹ gọi, cô đáp gắt gỏng:
-Con ngồi đây mẹ không thấy sao mà còn gọi toáng lên thế.
-Không gọi để mày lại chuồn đi theo trai à. Từ nay mà cứ bỏ nhà đi hoang thì đi luôn đi đừng có về nhà này nữa. Thôi, vào thay đồ rồi lấy nhíp nhổ tóc sâu cho tao.
   Nở đáp bằng giọng hờn dỗi:
          -Con không nhổ.
   Bà Lài trừng mắt:
          -á à...con với cái, tao lại đánh cho một cái bây giờ. Sai mày tí việc thế mà không chịu làm phải không.
   Nở vẫn giọng hờn dỗi:
          -Ai bảo mẹ tự dưng lại vu cho con lấy tiền của mẹ.
   Bà Lài đến bên con gái vuốt ve:
          -ừ thì mẹ trót nhỡ lời, cho mẹ xin. Nhổ tóc sâu cho mẹ, lát nữa tao cho mấy chục.
   Mắt Nở sáng lên, cô cười tươi rói:
          -Mẹ nói thật đấy nhá.
   Thấy Nụ đứng trong xó nhà khóc thút thít, bà Lài quắc mắt:
          -Còn đứng đó mà khóc nữa, tao giần thêm một trận cho mà khóc luôn một thể bây giờ. Đi vào mà nấu cơm đi.
   Nụ lặng lẽ đi vào nhà trong, vừa đi vừa lau nước mắt.

*
*        *
Trên đường ( ngoại – ngày )
   Toàn Gấu cùng mấy đứa đàn em đang đi trên một chiếc xe Jeep phóng ào ào trên đường. Trông vẻ mặt đứa nào đứa nấy đều bặm trợn. Toàn Gấu vừa giốc rượu vào họng vừa nói với lũ lâu la:
          -Tới đó chúng mày cứ để yên cho tao làm việc. Cần gì thì tao bảo, nhớ chưa.
   Một thằng đệ tử xun xoe:
          -Xong việc rồi thì đâu đâu đại ca?
   Toàn Gấu lừ mắt:
          -Biết rồi lại còn giả vờ hỏi. Cho chúng mày tẹt ga. Hiểu chưa?
   Cả bọn reo hò một cách khoái trá.
*
*        *
Nhà Nụ ( nội, ngoại – ngày )
   Cả nhà đang ăn cơm. Nở ăn một cách say sưa, gắp lia lịa. Nụ ăn một cách miễn cưỡng, vẻ mặt buồn thiu vì trận đòn oan. Ông Duân và bà Lài không ăn mấy, chủ yếu là uống. Khi chai rượu chỉ còn một tí dưới đáy, bà Lài với tay định lấy, ông Duân giằng lại:
          -Còn một ít để tôi. Uống gì mà uống lắm thế.
   Bà Lài vùng vằng:
          -Có mà ông uống lắm ấy. Nãy giờ tôi mới được bốn năm ly, còn bao nhiêu ông nốc cả.
   Ông Duân cầm chai rượu ngần ngừ một tí rồi dằn trước mặt vợ:
          -Thì đấy, uống đi. Cái thứ đàn bà gì mà uống rượu như sâu...
   Bà Lài lườm chồng:
          -Ông sâu thì có.
   Vừa nói bà vừa rót nốt chỗ rượu trong chai vào ly của mình rồi uống một cách khoái trá. Trong khi đó ông Duân lừ mắt nhìn vợ với vẻ vừa tức vừa thèm rượu.
   Đang ăn, Nở chợt cười phá lên. Bà Lài thấy vậy gườm mắt hỏi:
          -Mày cười cái gì thế, cái đồ vô duyên?
   Nở vẫn khúc khích cười:
          -Chả có bữa ăn nào mà bố  mẹ chẳng cãi nhau cả. Sao không mua luôn mấy lít về uống thả phanh cho thích. Việc gì mà phải giành nhau như thế.
   Ông Duân gườm con:
          -Bao nhiêu cho đủ cái họng mẹ mày. Uống vào lại sinh lắm chuyện.
   Bà Lài vặc lại:
          -Ông thì kém đấy.
   Nở buông bát cái xoạch đứng dậy cau có:
          -Khiếp cho các ông các bà.
   Bà Lài nhìn theo giọng nài nỉ:
          -ăn thêm một chút nữa con.
   Nở càu nhàu:
          -Nghe bố  mẹ cãi nhau cũng đủ no rồi.
   Ông Duân nhếch mép:
          -Bao nhiêu thức ăn trên mâm vét hết rồi thì gì mà chả no. Bà chẳng việc gì mà phải lo cho nó cả.
   Bà Lài liếc mắt nhìn chồng một cái với vẻ bực tức, rồi xỉa bát cho Nụ:
          -Nụ, lấy cho tao bát cơm. ăn nhanh lên rồi đi rửa bát khẩn trương mà may đồ. Từ nay đến tối không xong chỗ ấy thì coi chừng với tao.
   Duân lừ mắt:
          -Bà cũng một vừa hai phải thôi. Mọi việc trong nhà tấp lên đầu nó cả thì làm sao nó làm cho xuể. Sao không bảo con Nở làm đỡ cho nó một tay.
   Bà Lài bĩu môi:
          -Con Nở còn bận nhổ tóc sâu cho tôi. Ôi giời, mấy cái việc như đầu móng tay chứ có gì đâu mà ông cứ làm như là là...Thiên hạ nghe được, người ta lại đánh giá tôi hành hạ con nuôi, lại chẳng ra gì. Con nào mà chả là con, gì mà ông có vẻ xót thế.
   Ông Duân càu nhàu:
          -Có phải con bà đâu mà bà xót.
   Nụ nhìn bố dượng, mắt ậng nước, cô nghẹn ngào:
          -Con làm được dượng ạ. Không sao cả đâu.
   Bà Lài nguýt Nụ:
          -Đụng một tí thì đưa nước mắt ra mà doạ. Hễ nghe dượng mày bênh một tí là lên mặt đấy hả...
   Vừa lúc đó có tiếng bước chân rầm rập, tiếng đập cửa rầm rầm bên ngoài.
   Bà Lài giật mình nhìn ra hỏi:
          -Ai đó?
   Tiếng bên ngoài:
          -Có phải nhà Duân Lài đây không?
   Hai vợ chồng lo lắng đưa mắt nhìn nhau. Bà Lài rối rít nói với Nụ:
          -Mày ra xem ai. Nếu người đến đòi nợ thì bảo là chúng tao không có nhà.
   Nụ bước ra mở cửa, thấy một tốp người mặt mũi bậm trợn lố nhố bên ngoài. Cô hốt hoảng lùi lại định đóng cửa. Toàn Gấu bước nhanh tới đẩy mạnh cửa ra. Trông thấy Nụ, hắn sững người lại trước vẻ đẹp thánh thiện của cô. Ngẩn đi mấy giây, Toàn Gấu định thần, cười nói:
          -Chà, quả là tiếng lành đồn xa. Không ngờ con bé này lại xinh đến thế.
   Nụ hoảng sợ lùi lại để tránh bàn tay sàm sỡ của Toàn Gấu, cô hỏi sợ hãi:
          -Ông hỏi ai?
   Toàn Gấu cười hềnh hệch xấn tới:
          -Bố mẹ có nhà không em?
   Nụ hoảng sợ lùi lại:
          -Dì dượng tôi đi vắng rồi...
   Toàn Gấu vằn mắt gầm lên:
          -Nói láo. Tao vừa nghe tiếng con mụ Lài nói trong nhà. Tránh ra.
   Hắn gạt Nụ sang một bên rồi xồng xộc đi vào, lũ đàn em cũng ùa vào theo.
   Trong khi đó, trong phòng ăn hai vợ chồng ông Duân đang dúi dụi vào nhau run cầm cập vì sợ hãi. Toàn gấu vào thấy vậy bước tới tóm cổ ông Duân nhấc bổng lên:
          -Ông là Duân phải không?
   Ông Duân líu lưỡi:
          -Dạ phải...tôi là Duân đây ạ.
   Toàn gấu buông Duân ngồi phịch xuống ghế, ngoảnh sang Lài:
          -Bà kia!
   Bà Lài hoảng hốt tự khai rối rít:
          -Dạ...em là Lài...Nguyễn Thị Lài ạ, xin anh tha cho em...
   Toàn gấu cười hềnh hệch:
          -Ngoan nhỉ. Nói cho hai người biết, tôi được ông Phú quặp trên thành phố thuê tới đây để đòi nợ tiền ông bà thua đề. Mau nôn ra để chúng tôi còn về kẻo tối.
   Bà Lài hốt hoảng:
          -Dạ...mong các anh thương tình cho chúng em khất thêm một thời gian nữa, khi nào có em xin trả ngay không cần các anh phải nhắc.
   Ông Duân cũng van vỉ:
          -Dạ...mong các anh thương tình.
   Toàn gấu gầm lên:
          -Này, tụi này đi cả mấy chục cây số đến đây không phải chỉ để nghe các người xin xỏ đâu nhé. Bay đâu...
   Cả lũ lâu la xấn tới “dạ” ran lên. Toàn gấu quay lại nói với hai vợ chồng:
          -Có chịu trả không?
   Bà Lài mếu máo:
          -Dạ...quả thực là chúng em chưa có, xin các anh tha cho em...
   Toàn gấu quát to:
          -Không nói lôi thôi nữa. Chúng mày đâu, dỡ hết cái nhà này ra cho tao...
   Lũ lâu la lập tức xông tới lôi đồ đạc xuống dẫm đạp. Hai vợ chồng xót của và hoảng sợ cứ van lạy như tế sao:
          -Em xin các anh, em lạy các anh, để chúng em lo tiền trả cho ông Phú.
   Nghe vậy Toàn gấu giơ tay ra hiệu cho cả bọn dừng lại, rồi hắn lại tới nhấc bổng ông Duân lên:
          -Ông định khi nào trả?
   Duân run như giẽ:
          -Dạ...cho em khất một tháng.
   Toàn lay mạnh, gầm lên:
          -Không được. Nội trong tuần này nếu không có thì tao sẽ phá nát nhà này và đuổi chúng mày ra hết ngoài đường mà ở.
   Lài lóp ngóp bò dậy mếu máo:
          -Trong tuần này thì tụi em biết kiếm ở đâu ra.
   Toàn lạnh lùng:
          -Không biết. Có gì thì mai về thành phố gặp Phú quặp mà xin. Phận sự của tụi tao là đến đòi nợ, không có thì không xong. Về thôi tụi bay.
   Hắn khệnh khạng bước ra, lũ đàn em lốc nhốc theo sau. Khi đi qua chỗ Nụ đang nấp ở xó nhà, mặt trắng bệch đi vì sợ. Toàn gấu nhìn cô cười hềnh hệch:
          -Thế nào người đẹp, sợ lắm hả?
   Trong khi đó, Nở đang ở trong buồng, cô đóng tịt cửa không dám ra, người run rẩy vì sợ hãi.
*
*        *
Đường quốc lộ ( ngoại – ngày )
   Chiếc xe của Toàn gấu phóng nhanh trên đường. Hắn mở điện thoại gọi:
          -Anh Phú hả. Em Toàn gấu đây.
   Tiếng Phú:
          -Tình hình thế nào rồi.
          -Hơi bị đẹp đấy anh ạ. Em cho vợ chồng nó một phen vãi linh hồn.
   Tiếng Phú hài lòng:
          -Tốt! Thế chúng nó bảo sao?
          -Chúng nó bảo xin khất một tháng, nhưng em bảo nội trong tuần này phải có trả, nếu chưa có thì mai lên gặp anh mà xin.
          -Được rồi, chú về ghé vào anh lấy tiền thưởng nhé.
   Toàn gấu cười thích chí:
          -Cảm ơn sếp!
   Hắn tắt máy, quay sang nói với lũ đàn em:
          -Giờ về vui chơi nhảy múa nhé.
   Cả bọn ồ lên tán thưởng. Chiếc xe lao vút đi với vận tốc khá lớn.
*
*        *
Nhà Nụ ( nội – ngày )
   Khi bọn Toàn gấu đi khỏi, vợ chồng ông Duân mới hoàn hồn, bà Lài rên rỉ:
          -Biết lấy đâu ra tiền mà trả cho chúng nó bây giờ.
   Ông Duân càu nhàu:
          -Tôi đã bảo mãi rồi mà không nghe. Bảo đánh vừa vừa nhỏ nhỏ thôi, lại ham cứ muốn đánh lớn cho chóng thành triệu phú, tỷ phú.
   Bà Lài nước mắt đang vòng quanh cũng gào lại:
          -Chỉ mình tôi ham thành triệu phú, tỷ phú thôi đấy. Thế hôm qua chính đứa nào bảo tôi cứ ghi nợ một chục triệu theo con 64 hả.
   Ông Duân ngồi thừ người, lẩm bẩm:
          -Chết, thế này thì chết thật rồi. Không có tiền trả thì còn có nước mà đứng đường sớm. Con Nụ đâu?
   Nụ rón rén đi vào:
          -Dạ.
   Ông Duân chỉ cái chai không lăn lóc dưới đất:
          -Ra quán lấy cho tao chai rượu.
   Nụ nhìn dượng khuyên can:
          -Dượng uống nhiều quá rồi, đừng uống nữa.
   Bà Lài quát:
          -Đã bảo đi là đi. Nhanh lên, tao cũng đang muốn giải sầu đây.
   Nụ sợ hãi cầm chai đi ra.
   Từ trong buồng, Nở mở cửa đi ra, nhìn bố  mẹ với ánh mắt tuyệt vọng và khinh ghét, cô hét toáng lên:
          -Bố mẹ đã làm gì mà để người ta đến đòi xiết nhà thế hả?
   Ông Duân ấp a ấp úng. Bà Lài nhìn con bằng ánh mắt thiểu não:
          -Bố mẹ lỡ rồi con ạ.
          -Bố  mẹ nợ người ta nhiều không?
   Hai vợ chồng liếc mắt nhìn nhau, sợ không dám nói, mãi sau ông Duân mới rụt rè:
          -Hơn hai trăm triệu.
   Nở ngồi phịch xuống ghế, khóc nức lên:
          -Trời ơi! Cầm cố cả cái nhà này liệu có đủ chừng đó tiền mà trả cho người ta không. Đề với đóm cho lắm vào, bố mẹ đã thấy làm khổ con như thế nào chưa. Đến khi lấy chồng thì con lấy gì làm của hồi môn nữa hả.
   Bà Lài nhìn con nói khổ sở:
          -Bố mẹ tưởng chơi rồi cũng có lúc sẽ thắng, kiếm được mấy tỷ bạc để đổi đời cho con, chứ đâu ngờ...
   Lài quắc mắt nhìn mẹ, nói đến lạc cả giọng:
          -Đổi đời hay là tiêu đời đây. Đến nước này thì con cũng phải tự tử mà chết đi cho rồi thôi.
   Bà Lài vội ôm lấy con dỗ dành:
          -Mẹ xin con. Đừng có nghĩ dại, con mà chết thì mẹ cũng chẳng thiết sống nữa đâu ( bà quay sang chồng nói rít lên ) - Ông phải nói cái gì với con nó chứ cứ ngồi im thin thít thế à?
   Ông Duân nhìn Nở lấm lét:
          -Để rồi bố  tính, bố không để cho con phải khổ đâu.
   Nở vùng vằng đứng dậy, vớ lấy cái túi treo ở móc rồi đi ra:
          -Bố mẹ làm sao thì làm. Con mà có làm sao thì bố  mẹ chỉ có mà ân hận cả đời đấy.
*
*        *
Quán bar ( nội - đêm )
   Nở ăn mặc đỏm đáng và khêu gợi, đang cùng Hoạch ngồi trong quán bar. Trông cô có vẻ say khướt và thiểu não. Những vỏ chai bia lăn lóc trên mặt bàn.
   Với tay lấy chai bia trên bàn định rót thấy hết, Nở lắc lắc chai bia gọi nhân viên:
          -Lấy thêm bia nữa đi.
   Hoạch vội can:
          -Thế đủ rồi, em đừng uống nữa.
   Nở lúc lắc đầu:
          -Không, hôm nay em muốn uống cho thật say ( nhìn thấy người nhân viên đang lưỡng lự, cô hét lên ) – Sao còn đứng đấy mà nhìn, lấy thêm mấy chai nữa lại đây.
   Những người ngồi trong quán bia nhìn Nở với vẻ hiếu kỳ và thích thú.
   Nhân viên vội mang mấy chai bia đến bật nắp rót vào cốc cho Nở. Cô trừng trừng nhìn cốc bia sủi bọt, rồi bưng cốc lên uống cạn, tự tay rót thêm cốc nữa. Hoạch vội giằng lấy chai bia:
          -Thôi, anh xin em đấy. Uống nhiều quá say lại mất vui.
   Nở đờ đẫn:
          -Vui, anh mà còn thấy vui kia à. Em thì chỉ muốn chết quách đi cho rồi.
   Hoạch ôm lấy vai cô:
          -Em đừng nói thế, đã có vấn đề gì đâu mà em cứ phải lo.
   Nở vùng dậy nhìn Hoạch nói ai oán:
          -Anh bảo không lo mà được à. Không có tiền trả, nó xiết nhà đuổi ra đường, lúc đó anh có còn yêu em nữa không?
   Hoạch gật đầu:
          -Sao em lại hỏi thế. Anh yêu em, dù thế nào đi nữa anh cũng sẽ cưới em làm vợ.
          -Thế thì anh cưới em làm vợ ngay đi.
   Hoạch ngập ngừng:
          -Bây giờ thì chưa được, công việc anh chưa ổn định, mà cưới thì phải có tiền. Em cũng thế. Cưới nhau rồi thì lấy gì mà sống.
   Nở phá lên cười như điên:
          -Tôi biết ngay là thế nào anh cũng hỏi thế. Đàn ông các người đều là một lũ đểu như nhau. Khi bình thường thì dỗ ngon dỗ ngọt để được ngủ với người ta, khi xong rồi thì chạy mất dép...
          -Kìa, sao em lại nói thế?
   Nở quắc mắt nhìn Hoạch nói giọng hờn ghen:
          -Thôi đi, tôi lạ gì cái bản mặt của anh nữa. Trông thấy bà chị của tôi anh lại muốn tán tỉnh chứ gì. Ha...ha...mít ngon thì anh chàng nào mà chẳng muốn đánh cả xơ...ha...ha...
   Nở vừa cười vừa nói to một cách đầy buồn tủi và ai oán. Cô cầm chai bia rót tràn cốc và nâng lên uống cạn.
  Những khách hàng trong quán nhìn họ chằm chằm, vài người thể hiện sự khó chịu.
   Hoạch níu tay Nở lại:
          -Kìa em, thôi đi đừng uống nữa. Người ta đang nhìn mình kia kìa.
   Nở vùng tay để tránh Hoạch, đưa mắt lờ đờ nhìn xung quanh rồi hét lớn:
          -Ai nhìn thì kệ thây họ.
   Hoạch năn nỉ:
          -Để anh đưa em về.
   Nở hét to:
          -Anh muốn thì về trước đi. Về đi...
   Chợt Nở thần mặt lại rồi gục xuống bàn khóc nức nở.
   Một lát sau ta thấy hai người đang đi liêu xiêu trên phố trong tình trạng say khướt. Nở níu tay Hoạch, gần như tựa vào người anh ta, bước đi lảo đảo, miệng nói líu ríu:
          -Anh nhá, dù thế nào anh cũng không được bỏ em đâu nhá.
*
*        *
Trong một nhà hàng (nội - đêm)
   Toàn gấu đang cùng lũ đàn em ngồi trong nhà hàng. Bọn lâu la vừa uống rượu vừa la hét và đú đởn với mấy nữ nhân viên ăn mặc cũn cỡn hở hang. Tiếng nhạc mạnh xập xình, tiếng la hét tạo nên một âm thanh cuồng loạn.
   Trong khi đó Toàn lại có vẻ rầu rĩ, hắn ngồi lặng thinh và nốc rượu liên tục. Cứ uống xong một cốc, hắn lại gục đầu nhìn xuống đất, ánh mắt và vẻ mặt hắn buồn hiu hắt.
   Một đệ tử đến bên hắn hỏi vẻ ái ngại:
          -Có chuyện gì mà buồn vậy đại ca?
   Toàn gấu miễn cưỡng trả lời:
          -Không có gì đâu. Chúng mày cứ vui vẻ đi.
   Một tiếp viên nữ sà xuống uốn éo:
          -Anh Toàn gì mà buồn vậy. Em ngồi với anh được không?
   Toàn lắc đầu:
          -Thôi ra kia chơi với tụi nó đi.
   Cô gái vẫn sán xuống định ngồi lên đùi Toàn:
          -Nhưng em muốn ngồi với anh cơ...
   Toàn trừng mắt:
          -Đã bảo là ra kia.
   Cô gái cười lả lơi:
          -Kìa anh...
   Toàn gầm lên:
          -Cút!
   Cô gái hoảng sợ đứng dậy len lén đi nơi khác. Bọn đàn em thấy vậy bấm nhau:
          -Đại ca hôm nay làm sao ấy?
          -Chắc ông ấy có chuyện gì buồn.
   Toàn gấu tự rót cho mình một ly rượu đầy, uống cạn rồi lại ngồi rầu rĩ, hắn chợt thở dài rút trong ví ra một bức ảnh rồi nhìn trân trân ngắm nghía. Bức ảnh đã cũ chụp một người phụ nữ trẻ khá xinh đẹp, trên tay bế một bé gái chừng một tuổi. Hai mẹ con đang nhìn hắn cười tươi rói. Vẻ mặt Toàn gấu cực kỳ xúc động, hắn ngắm nhìn bức ảnh một lúc rồi chợt gục xuống bàn toàn thân rung lên trong tiếng nấc.
*
*        *
Nhà Nụ ( nội - đêm )
   Nụ đang ngồi ở bàn để may áo gia công. Cô làm một cách cần cù và lặng lẽ.
   Bà Lài đang nằm thiu thiu trên sàn nhà. Ông Duân đang ngồi gật gù bên chai rượu đã gần cạn, miệng không ngớt lảm nhảm:
          -Biết kiếm đâu ra tiền mà trả đây. Không có thì nó cho ra đứng đường sớm.
   Nụ đưa mắt nhìn bố nuôi với cái nhìn đầy thương cảm, cô khẽ thở dài rồi đứng dậy đến bên ông :
          -Dượng ơi!
   Ông Duân như sực tỉnh:
          -Hả...đứa nào gọi đấy...
   Nụ cầm tay ông Duân dắt lên:
          -Khuya rồi. Dượng vào nhà ngủ đi.
   Ông Duân nhận ra Nụ:
          -ờ, Nụ đấy à...cứ để dượng ngồi đây, dượng không tài nào mà nhắm mắt được đâu...
   Bà Lài đang lim dim, chợt gắt:
          -Không nhắm mắt được thì ngậm miệng lại cho tôi ngủ. Lảm nhảm mãi.
   Ông Duân lườm vợ một cái rồi vớ cái chai. Nụ vội cản lại:
          -Dượng đừng uống nữa.
   Ông Duân nói giọng của người say khi buồn:
          -Để dượng uống cho quên cái sự đời đi con ạ. Không uống đầu óc cứ sáng choang, lại nghĩ lung tung. Mà không nghĩ sao được con nhỉ. Không có tiền trả nợ, thì nó xiết nhà, nó đuổi dượng, nó đuổi con, nó đuổi tất cả nhà ta ra ngoài đường mà đứng...
   Bà Lài hét lên:
          -Ông có im đi cho tôi nhờ không? Nó đuổi khi nào thì mặc cha nó, giờ đang ở trong nhà thì cứ để cho tôi ngủ đã.
   Nụ đứng bần thần suy nghĩ một lúc, rồi cô đi tới hộc tủ ở một chỗ kín đáo, lấy ra một gói giấy nhỏ đem lại đưa cho ông Duân :
          -Con có 5 phân vàng góp được từ tiền bán ve chai. Dượng cầm lấy mà thêm vào trả nợ cho người ta.
   Ông Duân lắc đầu một cách tuyệt vọng:
          -Năm phân thì nước non gì hả con...
   Bà Lài đang nằm chợt vùng dậy, gần như giật lấy gói giấy trong tay Nụ:
          -Cái gì thế, vàng à? Sao lại bảo là chả nước non. Cho dì xin con nhé. Con thế mới gọi là con chứ.
   Bà ta mở gói giấy săm soi năm phân vàng với vẻ mặt cực kỳ thích thú trong sự ngẩn ngơ tiếc nuối của ông Duân và sự hụt hẫng của Nụ.
   Bà Lài cầm phân vàng của Nụ đi vào nhà trong. Nhìn ngược ngó xuôi cảnh giác sợ ai nhìn thấy, rồi bà mở tủ, lục lọi một lúc moi ra một chiếc hộp nhỏ. Bà mở hộp ở trong có mấy chiếc vòng bạc dùng chống gió cho trẻ con. Bà ngắm nghía vòng vàng 5 phân của Nụ với ánh mắt thích thú rồi cho vào hộp. Chợt có tiếng ông Duân vang lên làm bà giật nảy mình:
          -Mấy cái thứ đó đem bán cũng được một số tiền đấy.
   Bà Lài chưa hết giật mình:
          -Lần sau vào thì ông phải đánh tiếng nhé. Ông nói cái gì? Bán mấy cái này thì được mấy xu.
          -Sao lại mấy xu, cũng phải được chán tiền ấy chứ?
   Bà Lài kiên quyết lắc đầu:
          -Đã bảo không được là không được. Rồi đến khi biết đâu lại chả phải cần đến nó.
   Ông Duân phẩy tay:
          -Ôi dào, giờ mà chưa cần thì biết đến khi nào cần nữa.
   Bà Lài xua tay:
          -Thôi đừng nói lôi thôi nữa, ông ra đi cho tôi nhờ. Đứng đây rồi đến khi thèm rượu hết tiền lại táy máy.
   Ông Duân đành lững thững đi ra. Bà Lài chốt cửa cẩn thận rồi tìm một vị trí khác kín đáo hơn để giấu chiếc hộp.
*
*        *
Nhà Phú Râu quặp ( nội – ngày )
   Trong phòng khách ngoài Phú Râu quặp còn có Toàn gấu và vợ chồng ông Duân. Hai ông bà cứ lấm lét nhìn bọn kia, trong khi đó Phú và Toàn lại tỏ vẻ hằm hè đe doạ.
   Phú đập tay xuống bàn, mắt xếch lên nói gần như quát:
          -Thế nào, hôm nay các người đã có tiền để trả chưa?
   Ông Duân run cầm cập, nói như mếu:
          -Dạ thưa ông, vợ chồng em đã tìm mọi cách rồi mà không thể xoay xở đâu ra được ạ.
   Lài cũng run rẩy tiếp lời:
          -Dạ cũng vì thế nên vợ chồng em mới lặn lội về đây mong ông rủ lòng thương tình cho chúng em thư thư thêm một thời gian nữa.
   Phú và Toàn khẽ liếc mắt nhìn nhau. Phú đập tay đánh rầm xuống bàn khiến vợ chồng ông Duân giật bắn:
          -Im mồm cả đi. Khi không thì các người ngon ngọt để ghi nợ, giờ các người cũng định ngon ngọt để định trốn nợ đấy phải không. Toàn đâu.
   Toàn ưỡn ngực nói như sấm:
          -Dạ, ông chủ gọi em?
   Phú ra lệnh:
          -Mày ra lệnh cho lũ đàn em về ngay thị trấn phá nát nhà nó ra cho tao. Cái gì lấy được thì lấy, còn thì vứt ra đường khoá cửa lại. Đứa nào chống lại thì bẻ răng cắt lưỡi đi cho tao.
   Toàn ưỡn ngực:
          -Tuân lệnh! Bay đâu.
   Những tiếng dạ ran lên, mấy tên đàn em xuất hiện mặt hằm hè như muốn ăn tươi nuốt sống. Thấy vậy hai vợ chồng ông Duân quỳ sụp xuống mà lạy như tế sao:
          -Chúng em xin các anh, chúng em lạy các anh. Mong các anh thương tình đừng đuổi vợ chồng con cái chúng em ra đường.
          -Em cắn rơm cắn cỏ lạy các anh. Các anh bảo gì chúng em cũng xin nghe, nhưng đừng xiết nhà của chúng em.
   Bà Lài lết đến bên Toàn gấu nói van vỉ:
          -Xin ông đừng phá nhà em, đừng đuổi chúng em ra đường – ( bà lại quay sang Phú ) – Em lạy ông ngàn vạn mớ, xin ông hãy thương tình kẻo tội chúng em.
   Phú và Toàn lại đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt chúng thể hiện sự hài lòng. Phú lên giọng kẻ cả:
          -Thế bây giờ các người định thế nào?
   Duân lết đến bên Phú, hai tay chắp vái lia lịa:
          -Dạ, ông nói thế nào chúng em cũng xin nghe, nhưng xin ông đừng xiết nhà của chúng em.
   Suy nghĩ một tí, Phú hắng giọng:
          -Thôi được rồi, bây giờ thế này nếu các người đồng ý, không chỉ tôi còn xoá nợ cho các người mà tôi còn cho thêm các người một số tiền nữa. Được không?
   Vợ chồng ông Duân ngớ người nhìn nhau. Lài nói như run lên:
          -Dạ, ông cứ nói ạ, được xoá nợ lại còn cho thêm thì gì em cũng đồng ý ạ.
   Toàn gấu hất đầu về phía Duân:
          -Thế còn ông kia thì sao?
   Lài lừ mắt nhìn Duân, giục:
-Kìa ông, nói cái gì với ông Phú quặp...à...à ông Phú đi chứ.
   Ông này vội lắp bắp:
          -Vâng, em cũng thế ạ...
   Phú cầm ly rượu lên tợp một ngụm, suy nghĩ một tí rồi nói:
          -Ông bà có đứa con gái rất xinh đẹp. Nếu ông bà đồng ý gả cho tôi, thì tôi sẽ xoá nợ cho ông bà, lại còn thêm cho hai chục triệu nữa làm vốn. Thế nhất trí không?
   Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Vẻ mặt họ tỏ ra bối rối vì điều kiện bất ngờ của Phú, nhưng cũng hồi hộp vui sướng vì thấy món tiền to. Thấy họ ấp úng, Phú nghiêm mặt nói:
          -Thế nào, nếu không đồng ý thì cũng nói để tôi còn liệu? Không đồng ý hả, Toàn đâu!
   Lài vội xua tay rối rít:
          -ấy khoan đã, gì mà ông cứ ầm ầm lên thế, từ từ cho em nói cái đã. Không phải chúng em không đồng ý, nhưng mà chúng em có hai đứa con gái, không biết ông đang nói tới đứa nào?
   Phú và Toàn gấu ghé tai vào nhau thì thầm. Toàn gấu nói:
          -Ông Phú muốn con bé làm nghề thợ may ấy.
   Lài mặt tươi rói:
          -Ôi thế thì may quá! Vâng, em xin đồng ý gả cháu Nụ nhà em cho ông đấy ạ.
   Ông Duân khẽ kéo tay vợ:
          -Kìa bà...
   Lài gạt tay ông Duân ra:
          -Ông cứ để mặc tôi. Vâng, vợ chồng em xin đồng ý gả con cháu đầu nhà em cho ông đấy ạ.
   Phú và Toàn nhìn nhau đắc ý. Toàn gấu nói:
          -Con gái ông bà được ông Phú đây đoái thương lấy làm vợ thì tốt phúc quá rồi còn gì. Còn ông bà lại có ông con rể như thế này thì còn ai sánh bằng nữa.
   Lài nhanh nhảu:
          -Dạ, đúng là còn gì bằng nữa ạ. ờ mà ừ nhỉ, thế chẳng hoá ra từ nay chúng tôi là bố  mẹ vợ kia à. Ông ơi, chúng ta được ông Phú gọi là bố mẹ vợ kia đấy.
   Ông Duân cứ ậm à ậm ừ, lấm lét nhìn bọn Phú rồi lại liếc nhìn vợ.
   Phú và Toàn cũng tỏ ra thích chí. Phú nén cười, lấy mặt nghiêm nói:
          -Vâng! Từ nay tôi sẽ là con rể của ông bà. Nhưng trước hết chúng ta hãy làm với nhau bản giao kèo đã. Tôi sẽ cam kết xoá nợ cho ông bà, cho ông bà ứng trước năm triệu để về lo liệu công việc. Trước khi tổ chức đám cưới, tôi sẽ đưa nốt số tiền còn lại. Còn ông bà chịu trách nhiệm gả con gái ông bà cho tôi. Nếu bên nào vi phạm thì sẽ bị phạt nặng, ông bà hiểu chưa.
   Lài cười toe toét gật đầu:
          -Hiểu, hiểu chứ, gì chứ chuyện về tiền nong thì ai mà không hiểu.
*
*        *
Trên xe khách ( ngày )
   Hai vợ chồng ông Duân đang ngồi trên xe khách trở về nhà. Bà Lài mặt mũi phởn phơ, tay khư khư giữ lấy cái túi đựng tiền, thỉnh thoảng lại he hé mắt nhìn. Trong khi đó ông Duân ngồi lặng lẽ, nét mặt có vẻ buồn.
   Bà Lài hớn hở gọi chồng:
          -Ông này...(thấy chồng vẫn ngồi yên mắt nhìn đi đâu, bà kéo mạnh tay ông) - Ô kìa cái ông này...
   Ông Duân như sực tỉnh:
          -Bà bảo gì?
  Lài cười toe toét, nói hớn hở:
          -Tôi thấy cứ như mơ ấy ông ạ.
          -Mơ gì?
          -Thì tự dưng đang đâu mình trở thành triệu phú chứ gì nữa. Này, không khéo con 64 nó ứng rồi cũng nên.
   Nét mặt ông Duân ảm đạm:
          -Tôi thấy nó bất nhẫn thế nào ấy.
   Bà Lài tròn mắt:
          -Ông bảo cái gì đấy?
   Ông Duân buồn bã:
          -Tôi thấy thương con Nụ quá. Mình gả kiểu này chả khác gì mang nó đi gán nợ.
   Bà Lài lườm chồng:
          -Ôi giời, ông thì cứ quan trọng hoá vấn đề. Người ta lấy con gái mình có cưới xin đàng hoàng chứ có phải đem cho không đâu mà ông bảo là gán.
   Ông Duân vẫn thẫn thờ:
          -Bắt nó lấy một ông chồng già bằng tuổi bố nó thì tội nghiệp cho nó quá.
          -Cái ông này mới thật là. Nó lấy chồng mà ông cứ làm như nó bị đi đày biệt xứ không bằng. Thôi, đừng nghĩ quẩn quanh nữa, mà tôi bảo rồi mọi việc cứ để đấy tôi lo. Giờ về thị trấn tôi với ông vào quán tiết canh đánh một bữa. Tôi thì lạ gì ông nữa, cứ vào mấy chén là quên hết sự đời ngay thôi mà.
   Chiếc xe lao vút đi để lại trên đường một đám bụi mỏng.
*
*        *
Thị trấn, Quán tiết canh cháo lòng ( nội – ngày )
   Hai vợ chồng vào quán tiết canh, cháo lòng. Họ tìm một chỗ ngồi khá đàng hoàng. Người chủ quán trông thấy họ tỏ ra không mặn mòi gì, thậm chí còn ngấm nguýt vẻ không ưa.
   Bà Lài không để ý tới điều đó, với dáng vẻ đường hoàng, bà gọi to:
          -Cho đĩa lòng với hai bát tiết canh nhé. Loại đặc biệt ấy.
   Nhân viên trong quán vẫn lờ đi như không nghe tiếng bà gọi. Bà Lài bực mình nói to:
          -Ơ kìa, cả một lũ điếc hay sao mà người ta gọi không ai thèm thưa cả. Một đĩa lòng, hai bát tiết canh loại đặc biệt. Khẩn trương lên.
   Bà chủ quán tay vẫn thái lòng thoăn thoắt, không thèm nhìn lại:
          -Không bán chịu nữa đâu. Muốn ăn thì trả hết tiền nợ cũ đi đã.
   Ông Duân ấp úng đưa mắt nhìn vợ. Bà Lài cũng tỏ ra bối rối một tí, nhưng liền đó bà lấy lại được phong độ ban đầu, bà nói giọng kẻ cả:
          -Này, đây không thèm ăn chịu ăn đựng của ai một xu đâu nhé.  Chẳng qua thỉnh thoảng nợ một tí cho nó vui thôi. Nào, thế đang còn bao nhiêu nói đi để đây trả.
   Vừa nói, bà vừa móc trong túi xách ra một tập tiền dày cộp ném lên bàn trước sự thèm muốn của thực khách và sự kinh ngạc của bà chủ quán.
   Thấy tiền, chủ quán liền đổi ngay thái độ vồn vã:
          -Khiếp, Em mới đùa một tí mà chưa chị bà chị đã...Của anh chị nợ có hai trăm rưởi chứ mấy.
   Bà Lài đếm tiền loẹt xoẹt vứt ra bàn:
          -Đây, tiền đây...
   Chủ quán vội cầm lấy tiền, đon đả:
          -Em xin ( ngoảnh gọi nhân viên ) – Khẩn trương lấy đĩa lòng thật ngon vào để phục vụ ông bà đây nhá...lấy chai rượu ngon nữa...
   Chỉ nháy mắt đã thấy nhân viên đưa ra một đĩa lòng tú ụ, hai bát tiết canh và chai rượu trắng. Bà Lài rót rượu ra hai cái ly, giục chồng:
          -Uống đi ông. Hôm nay tôi quyết định chiêu đãi ông một bữa thả phanh, cho con mẹ này nó hết phách lối. Nào, cụng một cái đi ông, cho nó oách.
   Hai vợ chồng cụng ly uống cạn rượu rồi ăn uống nhồm nhoàm.
   Những người trong quán và bà chủ thì thào hỏi thầm nhau:
          -Này, vợ chồng nhà kia trúng quả gì mà hôm nay hoành tráng thế nhỉ?
          -Chắc là vào một quả đề rồi cũng nên...
   Biết mọi người đang xì xào về mình, nhưng hai vợ chồng vẫn tỉnh bơ như không, vẫn tiếp tục ăn uống nhồm nhoàm say sưa ra vẻ đắc ý lắm.
*
*        *
Nhà Nụ ( ngoại, nội – ngày )
   Nụ vẫn đang cặm cụi may quần áo. ở góc khác Nở đang đứng ngắm nghía xoay trở trước gương để tự ngắm mình. Lát sau cô tỏ vẻ như không hài lòng lắm. Thở dài đánh sượt, Nở đến bên Nụ nhìn cô chị.
   Nụ vẫn không hay biết Nở đang nhìn mình với ánh mắt ganh tị, ghen ghét. Cô vẫn cắm cúi may. Lát sau Nở hỏi Nụ bằng giọng ghen tị cố kìm nén:
          -Chị Nụ...
   Nụ dừng may nhìn lên, mỉm cười hỏi nhẹ nhàng:
          -Em bảo gì?
   Nở mím môi đắn đo giây lát rồi hỏi:
          -Sao mà chị lại đẹp thế?
   Nụ hơi bối rối trước câu hỏi của Nở, cô đáp lảng đi:
          -Thì em cũng rất xinh đẹp đó thôi.
   Nở nói giọng ghen tị và đanh đá:
          -Nhưng em vẫn không bằng chị. Chị xinh đẹp hơn, dịu dàng hơn. Nếu em mà được như chị thì em cho khối thằng đàn ông phải nổ mắt, đứng tròng lên cả.
   Nụ co vai lại trước câu nói dữ dằn của Nở, nhưng cô vẫn mỉm cười nhẹ nhàng:
          -Khiếp, em nói gì mà nghe kinh thế. Chị thấy cậu Hoạch của em cũng được đấy chứ. Cậu ấy trông cũng đẹp trai, lại rất yêu em. Thế thì còn gì bằng nữa.
   Nở khẽ bĩu môi:
          -Nhưng mà rách như tổ đỉa. Ngữ ấy rước về mà nuôi báo cô à?
   Nụ ngạc nhiên:
          -Nhưng em cũng yêu cậu ta kia mà?
   Nở nhìn chị với ánh mắt như thương hại, rồi cô cười khúc khích:
          -Chị thật là, sao trên đời lại có người thật như chị. Yêu cái nỗi gì, chẳng qua chưa có giăng thì phải tìm sao làm sáng cho đỡ buồn.
   Nụ vẫn chưa hết ngạc nhiên:
          -Em nói cái gì thế. Em không yêu Hoạch thật à?
   Nở lắc đầu cười buồn, rồi hỏi:
          -Sao đến giờ chị vẫn không yêu ai cả?
   Nụ yên lặng một lát, rồi cũng cười buồn lắc đầu:
          -Chị không có thời gian. Với lại...chị nghĩ mình còn trẻ vội gì, ở nhà được ngày nào thì chăm sóc dượng, chăm sóc dì ngày đó, kẻo sau này đi lấy chồng có muốn cũng không được.
   Nở nghe chị nói, cô nhìn bằng ánh mắt ngạc nhiên rồi chợt cười rũ rượi. Cô cứ cười như điên một lúc, khiến Nụ hỏi lo lắng:
          -Em cười cái gì thế?
   Nụ vẫn cười ngả nghiêng:
          -ối giời ơi, khổ thân bà chị tôi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, việc gì mà chị phải đa mang cho rặm bụng thế. Bố mẹ già rồi thì bố  mẹ cũng phải “tạch”. Chăm sóc bố  mẹ cho đến khi họ dắt nhau đi về với ông vải thì mình cũng thành bà cô rồi. Lúc đó có hỏi đứa sứt môi lồi rốn làm chồng nó cũng chả thèm đâu.
   Nụ nghe Nở nói vậy cô không nói gì, chỉ lặng lẽ may. Nở nhìn Nụ một lúc rồi hỏi tiếp:
          -Em hỏi thật chị nhá.
   Nụ dừng may, hơi ngẩng lên nhìn Nụ:
          -Em hỏi gì?
   Nở lưỡng lự một tí:
          -Bố mẹ em với chị, chẳng có máu mủ ruột rà gì, nhưng sao chị vẫn cứ chăm sóc chiều chuộng họ như thế?
   Nghe Nở hỏi vậy, Nụ hơi mở to mắt nhìn như ngạc nhiên. Cô ngồi thừ người, nhìn vào khoảng không vô định, vẻ mặt cô thể hiện một nỗi buồn man mác. Lát sau, cô khẽ thở dài, nói thì thầm như tự sự:
          -Tuy không máu mủ ruột rà. Nhưng trong thâm tâm, chị luôn coi dì dượng như bố mẹ mình, coi em như em ruột của mình. Chị khao khát được một lần gọi dì là mẹ, gọi dượng là bố lắm em ạ.
          -Sao chị không gọi đi?
   Nụ lại ngồi yên lặng. Đôi mắt cô long lanh ngấn nước, giọng cô như nghẹn lại:
          -Chị cũng muốn thế, nhưng dì không cho...
Nở thốt lên một cách tức tối:
          -Mẹ em thật là quá đáng. Mà sao bà ấy đối xử tệ với chị thế mà chị vẫn cứ thương yêu, chăm sóc bà ấy?
   Nụ trả lời bằng một vẻ mặt đầy thánh thiện và mơ màng:
          -Vì chị nghĩ rằng...đến một lúc nào đó dì nghĩ lại và sẽ thương chị. Chị nghĩ rằng lúc đó chị sẽ thoả sức gọi dì bằng mẹ, và dì cũng sẽ thương yêu chị như thương yêu em.
   Nở quay ngoắt đi:
          -Em nghĩ sẽ chẳng bao giờ có ngày đó đâu. Mà thôi em phải đi đã, không phải để phần cơm cho em đâu.
   Nụ nhìn theo Nụ đi ra. Cô bần thần một lúc rồi lại cắm cúi may tiếp.
*
*        *
Trên đường ( ngoại – ngày )
   Hai vợ chồng Duân-Lài đang lảo đảo đi trên đường. Bà Lài đang lảo đảo bước chợt dừng lại mắt sáng lên, nhìn dáo dác. Ông Duân thấy vậy ngạc nhiên:
          -Gì thế hả bà?
   Lài đưa tay lên miệng ra hiệu:
          -Suỵt, khẽ thôi, ông nhìn kìa...bắt lấy nó...
   Theo tay vợ, ông Duân nhìn thấy một con cua đang bò trên đường. Ông nhìn bà ngạc nhiên, Lài giục cuống quýt:
          -Mau lên, bắt lấy kẻo nó chạy vào hang bây giờ.
   Ông Duân vội lao tới chụp lấy con cua. Bà Lài cuống quýt:
          -Đâu rồi, đưa đây...
   Ông Duân đưa con cua cho vợ, bà Lài giơ lên ngắm nghía nói như reo:
          -Trúng rồi!
   Ông Duân ngơ ngác:
          -Gì kia, bà bảo trúng gì?
   Bà Lài vẫn nói như reo:
          -Đề! Quay lại chơi con “tám hai” mau.
          -Sao lại thế?
   Bà Lài nói như gắt:
          -Ông không hiểu à. Thánh cho lộc đấy. Không dưng tự nhiên con cua nó lại bò ra giữa đường như thế này đâu. Con cua tám cẳng hai càng, bò đi bò lại nghênh ngang suốt ngày. Đúng không?
   Ông Duân gật đầu, nhưng vẫn ngơ ngác chưa hiểu, bà Lài giải thích tiếp:
          -ý thánh muốn nói là con cua có tám cẳng, tức là phải ghi số có đầu 8, hai càng tức là phải ghi số có đít 2. Tám cẳng hai càng thì không phải là số 82 thì là số nào nữa.
   Ông Duân như tỉnh hẳn dụi mắt:
          -ừ nhỉ! Đúng là Thánh phán như thế thật rồi. Quay lại mau, không nhỡ có đứa nào nó ghi mất.
   Hai vợ chồng vội vàng quay lại nơi có ghi số đề. Vừa đi bà Lài vừa nói giọng phấn chấn:
          -Dứt khoát hôm nay thể nào cũng thắng lớn.
*
*        *
Nhà Nụ (nội, ngoại – ngày )
   Nụ vẫn đang chăm chỉ làm việc.
   Hai vợ chồng ông Duân về nhà. Họ đã có vẻ say lắm nhưng đều vui vẻ. Vừa đi họ vừa ư ử hát một bài vui nhộn gì đó rồi thỉnh thoảng lại cười phá lên.
   Trông thấy hai người, Nụ vội vàng đứng dậy đi ra đón:
          -Dượng và dì đã về rồi đấy ạ!
   Ông Duân nhìn Nụ bằng ánh mắt lờ đờ nhưng trả lời bằng giọng khá vui vẻ:
          -ừ, Nụ đấy hả con. ở nhà một mình thôi à. Thế cái Nở đâu?
   Nụ lễ phép:
          -Dạ, em Nở vừa đi đâu đó một lúc dượng  ạ.
   Ông Duân nói vẻ không hài lòng:
          -Hừ, cái con hư thân mất nết này, hở ra một tí là đi mất tăm mất dạng.
   Bà Lài nhìn Nụ bằng ánh mắt âu yếm:
          -Nghỉ tay đi một lát đã con. Dì mua cho con tấm bánh đây, con ăn đi cho dì vui.
   Trước thái độ săn sóc bất ngờ của bà Lài, Nụ tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng cô cũng đỡ lấy chiếc bánh bà Lài đưa:
          -Con xin dì, con cảm ơn dì.
   Bà Lài ngồi xuống ghế, tự tay rót nước uống, gật đầu âu yếm:
          -ừ, con ăn đi, để lâu mất ngon. Với lại từ nay con làm việc vừa vừa thôi, đừng gắng quá mà hại sức. Trông con vất vả, dì thương lắm. Để dì bảo cái Nở nó phụ giúp con. Lớn bằng từng ấy tuổi đâu rồi mà cứ lông bông suốt, không ở nhà mà đỡ tay đỡ chân cho chị.
   Nụ xúc động, nhìn bà Lài bằng ánh mắt biết ơn:
          -Không sao đâu dì ạ. Công việc con làm quen rồi, cũng chẳng có gì là vất vả lắm đâu, cứ để em Nở đi chơi cho thoải mái. Con mời dượng, mời dì ăn bánh.
   Nụ cắn tấm bánh ăn một cách ngon lành và háo hức. Trong khi đó, ông Duân đã kềnh ra nhà ngáy ò ò.
   Bà Lài ngắm nhìn Nụ ăn một lúc rồi nói thẽ thọt:
          -Nụ này...
   Nụ dừng ăn, nhìn bà Lài bằng ánh mắt lo sợ, ngại ngần:
          -Dạ!
   Bà Lài nói bằng giọng nhẹ nhàng âu yếm:
          -Càng nghĩ, dì lại càng thấy thương con. Mọi công việc trong nhà này đều mình con cáng đáng hết. Thôi thì từ nay con làm in ít thôi, dành lấy một ít thời gian mà nghỉ ngơi, mà bầu bạn...
          -Dạ, không sao đâu dì ạ...
          -Con cứ để dì nói hết đã, tiếng là không sinh ra con, nhưng dì cũng nuôi con từ khi còn trong trứng nước mười bảy, mười tám năm rồi. Cũng do cuộc sống còn nhiều khó khăn quá, nên có khi dì hơi nặng lời nói năng không phải với con, đừng có giận dì con nhé.
   Nụ nghe vậy tỏ ý xúc động. Cô nhìn bà Lài bằng ánh mắt yêu thương và kính trọng, giọng cô nghèn nghẹn:
          -Con không bao giờ dám trách giận dì đâu ạ.
   Bà Lài gật đầu:
          -ừ, dì vẫn biết con là một đứa con ngoan, nhưng dì cũng nói vậy để con thông cảm cho dì ( bà dừng lời một tí như để đắn đo ) – Dì muốn nói với con điều này không biết con có đồng ý không?
          -Dì cứ nói đi ạ?
          -Dì muốn từ nay dì thực sự được coi con là con đẻ của dì, và dì cũng muốn con hãy coi gì như là mẹ đẻ của con, như thế có được không con?
   Nụ sững sờ, cô như không tin vào tai mình nữa. Nhìn vẻ mặt đầy tình cảm thân thương của bà Lài, chợt cô bật khóc nức nở. Cô ôm lấy bà Lài, nhìn bà bằng ánh mắt đầy tình cảm, nói trong sự xúc động vô cùng:
          -Dì ơi...con mong điều này từ bao nhiêu năm nay rồi. Có thật là dì muốn thực sự là mẹ con không? Có phải dì muốn con thực sự là con của dì không hả dì?
   Bà Lài cũng ôm Nụ vào lòng, vuốt ve lên mái tóc con:
          -ừ, mẹ muốn con hãy là đứa con ngoan của mẹ.
   Nụ thốt lên như một tiếng nấc của sự mừng vui, hạnh phúc:
          -Mẹ! Con yêu mẹ lắm.
   Bà Lài cũng nói nghẹn ngào xúc động, nhưng đôi mắt ráo hoảnh:
          -Mẹ cũng rất yêu con!
   Hai người im lặng ôm chặt lấy nhau.
   Ông Duân đang ngủ, chợt tỉnh giấc hỏi hốt hoảng:
-Cái gì đấy, ô kìa sao hai người lại ôm nhau mà khóc thế kia, có chuyện gì à?
   Bà Lài đưa ống tay áo chấm chấm lên mắt, gượng cười:
-à...vì mẹ con tôi vui quá ấy mà.
   Nụ sung sướng nước mắt chan hoà, nói với ông Duân:
-Dượng ơi, từ nay con được gọi dì là mẹ rồi dượng ạ!
   Ông Duân há hốc miệng, nhìn vợ rồi lại nhìn con như không tin ở tai mình:
-Cái gì? Tao không hiểu mày đang nói gì cả.
   Bà Lài mỉm cười giải thích:
-à, tôi nghĩ con nào mà chả là con. Nên tôi bảo cái Nụ từ nay đừng gọi tôi là dì nữa, nghe nó xa cách lắm. Gọi là mẹ cho nó gần gũi, thiên hạ người ta nghe mình cũng mát mặt. Con nhỉ. à mà cũng đừng gọi là dượng nữa, từ nay phải gọi là bố nghe không con.
   Nụ nhìn ông Duân và nói trong niềm vui và xúc động:
          -Vâng ạ! Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn bố! Hôm nay là một ngày vui sướng nhất của đời con. Sẽ không bao giờ con dám quên công ơn của bố mẹ. Con sẽ cố gắng làm nhiều việc thật tốt để mẹ vui.
   Bà Lài hơi đẩy Nụ ra, giọng thân tình:
          -Con của mẹ ngoan lắm. Thôi nào, để mẹ vào nhà nghỉ một tí, đi đường mệt quá muốn díp cả mắt lại rồi đây này.
   Nụ vội đỡ bà đứng dậy:
          -Vâng ạ. Mẹ vào nghỉ đi, để con đi nấu cơm, khi nào xong con sẽ mời mẹ và bố dậy ăn.
    Lát sau ta thấy Nụ đang xăng xái nấu ăn trong bếp. Cô làm việc trong tâm trạng hết sức hứng khởi. Thỉnh thoảng Nụ lại khe khẽ hát hoặc mỉm cười một mình. Vẻ mặt cô hết sức hồn nhiên, trong trắng.
   ở nhà ngoài, ông Duân vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông trố mắt hỏi vợ:
          -Này, đúng là bà muốn nó gọi bà là mẹ, gọi tôi là bố thật đấy à?
   Bà Lài cười giả lả:
          -Ô hay cái ông này, không thật thì là giả à.
   Ông Duân nhìn vợ với vẻ đầy nghi ngờ:
          -Bà làm gì mà chả tính toán. Bà định làm gì nó đấy phải không?
   Bà Lài liếc nhìn vào trong, rồi nói hạ giọng:
          -Ông cứ gặng hỏi thì tôi cũng nói thật. Mai kia nó lấy chồng giàu có ở thành phố, nếu nó cứ gọi tôi là dì, gọi ông là dượng thì con rể nó sẽ nghĩ mình như thế nào. Con Nụ gọi tôi là mẹ, thì thằng rể nó cũng phải gọi theo như thế chứ. Phải không ông?
          -Nhưng thế thì có gì quan trọng đâu mà bà cứ phải thay đổi thế cho nó phức tạp ra.
          -Ô hay, sao lại không quan trọng. Mình là bố mẹ nó thì nó phải cư xử với mình khác hơn là cư xử với dì dượng chứ.
   Ông Duân khẽ cười:
          -Đấy, bà thấy tôi nói có đúng không. Nhất cử nhất động bà làm gì mà chả tính toán.
   Bà Lài lườm chồng:
          -Tôi làm cho tôi thôi đấy. Mà thôi, mọi việc cứ để đấy tôi liệu, ông cứ để mặc tôi.
          -Thế còn chuyện cưới xin, bà tính thế nào, đã nên nói cho nó biết chưa?
   Bà Lài hốt hoảng:
          -ấy chết. Sao lại nói bây giờ. Để tới lúc đó hẵng hay, nếu không hỏng bét hết cả đấy.
*Trong bữa cơm:
   Mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm. Trong khi vợ chồng bà Lài ngồi uống rượu tì tì, Nở gắp thức ăn lia lịa thì Nụ lại ngồi ngắm nhìn mọi người với ánh mắt và nụ cười chứa chan hạnh phúc. Ông Duân đang ngồi uống rượu chợt nhận thấy điều đó, ông hỏi:
          -Kìa, sao con Nụ không ăn đi, lại cứ ngồi đấy mà cười?
   Bà Lài cũng giục:
          -ăn đi con, sao lại cứ ngồi như thế. Nở, ăn từ từ thôi để phần cho chị với.
   Nở phụng phịu một mồm đầy thức ăn:
          -Thì chị ấy cứ ăn đi, con có làm gì đâu.
   Nụ cười tươi rói, cô gắp thức ăn vào bát ông Duân và bà Lài:
          -Bố ăn đi ạ! Mẹ ăn đi...cứ để em Nở ăn đi ạ, không phải dành cho con đâu. Con không thấy đói ( cô gắp thức ăn cho Nở và nói thân ái ) – Nở ăn đi em...
   ông Duân và bà Lài đưa mắt nhìn nhau không nói, còn Nở thì tròn mắt nhìn mọi người với vẻ ngạc nhiên. Trong khi đó Nụ vẫn rạng ngời hạnh phúc với ánh mắt long lanh và nụ cười luôn nở trên môi.

HẾT TẬP 1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét