Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Cởi và mở

Xem ra dạo này các O chân dài rất khoái cởi. Mở các trang báo mạng từ chính thống, bán chính thống cho tới nô chính thống đều gặp cởi quần và mở cúc  áo.
Khiếp! Hai cái cục thịt được người đời gán cho cái tên mỹ miều là đôi gò bồng đảo, hai trái đào tiên chi chi đó, hồi xưa chủ yếu là để tiết sữa cho con bú, sau nữa là… “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” hi hi, rứa mà thời buổi chừ lại có thêm một thiên chức “rửa mắt” cho thiên hạ nữa.
Ngắn hay dài thì cũng là đôi chân dùng để đi, rứa mà cứ kháo lên là dài đến tận nách. Có hoạ mà yêu tinh! Rứa mà báo chí cũng viết, cũng chụp hình tà lung tà la xí mẹt mấy O cởi đồ lòi cả “hàng” để “trưng cầu” ánh mắt thiên hạ.

Là nói vậy thôi, chớ thời buổi chừ từ báo chính cho đến báo phụ, từ báo hay cho đến báo hại, báo lá cải hay báo lá hẹ, mà thiếu cái khoản đó thì coi như bữa ăn thiếu gia vị.
Tỷ như cái vụ cô người mẫu chi chi đó, cởi tuốt tuồn tuột ra khiến môi trường cũng phải nhắm mắt, nhưng báo mô cũng thi nhau trưng lên để tranh giành người coi. Rồi thì là các chân dài thi nhau mở cúc áo. Rồi thì là các người đẹp thi nhau cởi quần.  Mới đây lại có mấy O nữ sinh trường đại học gì gì đấy kéo nhau vô công viên cởi đồ chụp hình làm ồn ào báo giới.
Không chỉ đàn bà con gái cởi và mở, đàn ông đàn ang chừ cũng thích mở và cởi để trưng lên báo tùm lum tà la.
Và người ta giải thích rằng đó là sự cởi mở của quan niệm xã hội xưa nay vốn dĩ “cửa đóng then cài” với cái sự nhạy cảm này.
Thì cứ cho như rứa là đúng đi!
Nhưng có một cái sự cởi và mở khác xem ra lại không được cởi mở như cái sự mở áo và cởi quần.
Đó là sự thiếu cởi mở trong mối quan hệ xã hội hiện nay.
Cứ thử quan sát mà xem! Hàng ngày trên khắp phố phường “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, thế nhưng người ta luôn luôn cảnh giác, nghi ngờ bất kỳ kẻ lạ mặt nào đang lảng vảng bên mình. Một phần vì sợ bị lừa đảo, trộm cắp, một phần vì tự dưng cảm thấy trong lòng bất an…
Ngồi trong tiệm cà phê, quán nhậu mà cao hứng nói một câu gì đó “phạm thượng” hoặc đụng chạm đến vấn đề “nhạy cảm” thì hoặc là người nói mắt trước mắt sau quan sát xem có ai lạ lạ ngồi gần đó nghe được không. Hoặc bạn nhậu sẽ khều khều chân, hoặc suỵt suỵt mồm rồi đá đá ánh mắt sang người ngồi ở bàn bên để “phanh” anh bạn cao hứng kia lại kẻo vạ vào thân.
Còn nhớ có lần một tay cùng cơ quan Mô nói một câu “thành ngữ đời mới”: “Muốn làm chính trị thì phải biết thủ đoạn”, hắn nói xong sực nhớ mình lỡ lời, liền cười cười: “Miềng nói đùa đó nha, đừng kể lại cho người khác đó”.
Nếu để ý sẽ thấy, trong các cuộc họp hành, hội hè hoặc tiếp đón các quan chức, ai cũng cố tỏ ra mình là người có “quan điểm”, có “lập trường tư tưởng vững vàng”…Hay nói một cách khác, ai cũng cố “lên gân” để bảo toàn cho cái “phẩm chất chính trị” của mình. Miệng thì nói thế, nhưng trong đầu người ta nghĩ gì có mà trời biết. Chung quy cũng là để tránh cái hậu hoạ  vô hình đang quẩn quanh đâu đó.
Bạn cứ để ý mà coi, ngay cả trong những cuộc thi văn hoá văn nghệ, dù cho có hay gấp vạn lần, nhưng đố thí sinh nào dám hát nhạc “vàng” hay nhạc tiền chiến. Hầu như “đồng chí” nào cũng cố mà cất cao những bài “nhạc đỏ” vốn rất chi là hùng tráng. Chung quy cũng để bảo toàn cho cái thứ hạng của mình.
Trong một số cơ quan cũng vậy, nhìn bên ngoài thì ai cũng nói cười hơn hớn, nhưng trong thâm tâm người nào cũng giữ kẽ, cũng cảnh giác lẫn nhau vì sợ nhỡ nói điều gì thất thố mà lọt đến tai sếp thì “ăn đủ”.
Ngay đến mấy O chân dài tới nách, đụng một tí là mở tuốt tuồn tuột áo, cởi tuốt tuồn tuột quần, nhưng đố mồm các O dám mở để nói ra cái điều các O đang nghĩ trong đầu đấy.
Đối với Mô cũng vậy. Entry này cũng chỉ viết chung chung, nói lên một hiện tượng xã hội vậy thôi, chớ có dám chỉ mặt, vạch tên tổ chức, cá nhân nào đâu. Chung quy cũng chỉ mới dám “cởi” he hé một tí, nhưng không dám “mở” vì sợ bị người ta chụp cho một cái nón trừu tượng “lợi dụng tự do ngôn luận…” này nọ thì có mà chết ngóm.
Suy cho cùng, mở cúc áo, cởi tuột quần thì dễ, vì người cởi và mở đó có niềm tin chắc chắn rằng sẽ có người ngắm thân thể mình.
Còn khi thiếu niềm tin với xã hội, với cộng đồng thì việc cởi mở tâm hồn thật khó lắm thay!
Tựu trung, điều đó không cẩn thận sẽ tạo nên một bộ mặt xã hội cứng đờ, vô hồn, lãnh cảm…tựa như những bộ quần áo Tôn Trung Sơn được những người dân miền Bắc khoác vào người trong những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét