Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Đối đầu hay đối thoại?

Xuất hiện clip nữ sinh lớp 6 đánh bạn vì ghen; cảnh sát giao thông và người vi phạm có phải là đối thủ; Bị cấm bay vì phản ứng với VNA… là những sự kiện đáng chú ý tuần qua. Việc cân nhắc giữa đối đầu hay đối thoại trong các tình huống rõ ràng rất cần thiết… Điểm lại những sự việc đáng chú ý tuần qua, rõ ràng việc chọn đối đầu thay cho đối thoại là chủ điểm. Vấn đề là nếu chọn đối thoại, mọi việc sẽ được giải quyết theo đúng chiều hướng tích cực và sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bất cứ ai.

Đối đầu liệu có đạt được mục đích?
Mở màn cho các hành động đối đầu tuần qua phải kể đến là việc tại TP. Hồ Chí Minh, một nhóm học sinh lớp 6, đã đánh đập dã man một nữ sinh lớp 7, lột áo và quay clip truyền cho nhau xem chỉ để rằn mặt vì ghen.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm học sinh này đã tạm bị đình chỉ học 1 tuần và đang chờ Hội đồng kỷ luật nhà trường nghiên cứu, xem xét hình thức kỷ luật thích đáng. Nhưng, vấn đề nữ sinh đánh nhau, tung clip lên mạng một lần nữa khiến người lớn, nhà chức trách đau đầu
Ảnh minh họa
Nếu căn cứ theo các quy định của pháp luật, việc đánh bạn, quay và tung clip lên mạng là hành vi làm nhục người khác, và cần được nghiêm trị theo khung hình phạt của tội này. Có điều, các đối tượng trong vụ nữ sinh giành bạn trai đánh bạn vì ghen mới chỉ đang học lớp 6. Điều đó có nghĩa các em vẫn đang ở trong độ tuổi vị thành niên. Như vậy, ngoài việc tạm đình chỉ học, nếu họp hội đồng kỷ luật, cùng lắm các em sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm. Nếu không có thể là lưu ban. Nhưng việc làm này chỉ là hình thức bên ngoài, không giúp các em hiểu được bản chất vấn đề, hiểu được hành động của các em đáng lên án.
Câu chuyện clip đánh bạn càng xuất hiện nhiều, càng khiến các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội cảm thấy giật mình. Hành động này chắc chắn không chỉ xuất phát từ gia đình, nhà trường hay vì một tác động xã hội nhất định nào đó.
Việc nữ sinh đối đầu với nhau dù sao cũng là chuyện của con trẻ. Chuyện này không phải không ngăn chặn được bởi các em- những nhân vật chính của câu chuyện- còn cả một chặng đường dài trước mắt để thay đổi, nhận thức về hành vi và cuộc sống xung quanh. Nhưng chuyện người lớn có kiểu đối xử không “đàng hoàng” với nhau khiến chúng ta giật mình hơn cả.
Tuy chưa ra văn bản chính thức nhưng người phát ngôn Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết trên báo điện tử Dân Trí chiều 22/4 rằng, hãng này sẽ từ chối vận chuyển (cấm bay) đối với HLV trưởng đội tuyển Teakwondo Việt Nam – ông Lê Minh Khương
Lí do từ chối vận chuyển Vietnam Airlines đưa ra là vì ông Lê Minh Khương đã có những hành vi gây rối, mất trật tự làm ảnh hưởng tới an ninh hàng không, cụ thể là trên chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi TPHCM hôm 18/4 vừa qua. Tại ngày xảy ra sự việc, ông Lê Minh Khương đã bị nhân viên anh ninh đánh, bẻ tay…
“Hiện Vietnam Airlines đang chờ kết luận cuối cùng về sự việc từ Cục Hàng không Việt Nam để ra văn bản chính thức cấm bay đối với ông Lê Minh Khương. Vietnam Airlines từ chối vận chuyển hành khách này trên tất cả các chuyến bay hãng khai thác ở trong nước và quốc tế. Trong một vài ngày tới, văn bản cấm bay sẽ chính thức được đưa ra” – ông Lê Hoàng Dũng, phát ngôn viên của Vietnam Airlines khẳng định trên báo.
Cũng theo ông Dũng: “Từ chối vận chuyển hàng không là quyền của tất cả các hãng đối những hành khách có hành vi vi phạm gây mất an toàn trật tự trên chuyến bay và an ninh hàng không. Đó là quy định rất rõ ràng của ngành hàng không”.
Vụ việc đình đám giữa ông Khương và VNA vẫn còn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, hôm nay, 23/4, ông Khương cho biết sẽ kiện VNA đến cùng vì đã đối xử không tử tế với ông.
Đúng sai của sự việc thế nào hiện đang chờ Thanh tra Hàng không kiểm tra làm rõ. Tuy nhiên, rõ ràng việc có thái độ không đàng hoàng với nhau giữa VNA và hành khách là sự việc không thể tưởng tượng được
Đối thoại là một cách thể hiện văn hóa
Vụ việc đình đám giữa VNA và ông Khương cũng tương tự như chuyện hoãn cưỡng chế vụ đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m2 đất ở số nhà 22-24 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng – quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chưa biết việc làm rõ này sẽ đi đến kết luận như thế nào. Cũng chưa biết thái độ của thành phố Hà Nội sẽ ra sao sau khi có kết luận làm rõ của Thanh tra thành phố.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhớ rất rõ những vụ lập dự án rất “đình đám” của công ty Tân Hoàng Minh tại địa bàn Hà Nội, mà nổi nhất là vụ định lấy 1/3 diện tích của công viên Thống Nhất để xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí – khách sạn – nhà hàng. Chỉ sau khi dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng và lãnh đạo thành phố Hà Nội kiên quyết không phê duyệt, thì dự án mới chịu… tạm dừng.
Chuyện so sánh giữa vụ lình xình của VNA và ông Lê Minh Khương và việc dừng bồi thường mức giá kỷ lục 1 tỷ đồng/m2 không hề khập khiễng. Bởi, nếu không có sự xuất hiện của Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tạm dừng việc cưỡng chế di dời hai hộ dân đòi bồi thường 1 tỷ đồng/m2 tại 22-24 Hàng Bài, 25-27 Hai Bà Trưng để Thanh tra TP. Hà Nội vào cuộc thì câu chuyện này chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Vì thế, nếu nhà chức trách không vào cuộc xem xét cụ thể vụ lình xình giữa VNA và ông Lê Minh Khương sẽ chỉ làm hao tốn giấy mực của báo chí.
Đối thoại để tìm ra giải pháp trong bất cứ việc gì cũng là biện pháp tốt cần được hướng tới. Nó là công cụ đắc lực giúp cho mọi việc đi theo đúng lộ trình và định hướng của nhà quản lý. Nó sẽ khiến người dân nắm được và thực thi theo các chế tài được đưa ra tránh việc đối đầu kiểu như cảnh sát giao thông và người điều khiển giao thông.
Và chắc chắn rằng khi nhận thức được rõ ràng cả hai phía sẽ đều chọn đối thoại thay cho đối đầu để giải quyết mọi việc. Người lớn cần là tấm gương cho con trẻ là ở chỗ đó. Nếu người lớn luôn dùng chân tay để giải quyết vấn đề, thì có lẽ không nên thắc mắc vì sao clip đánh nhau lại xuất hiện quá nhiều như thế..
Lam Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét