Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Thanh Hoá kêu trời vì đói-Bến Tre la làng vì “nước lạ”


Thiếu gạo, nhiều gia đình ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải dùng cả ngô giống để trên gác bếp xay ra ăn trừ bữa - Ảnh: H.Đồng
Trong những ngày qua, báo chí trong nước đưa tin theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – thương binh và xã hội Thanh Hóa, từ 21 huyện, thị xã thì cả tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực.

Các hộ thiếu đói mùa giáp hạt này tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Riêng bảy huyện miền núi nghèo nhất tỉnh đang được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân là những địa phương có số hộ thiếu đói lương thực nhiều nhất.
Hiện nay chính quyền Thanh Hoá đang tìm mọi cách cứu đói cho dân, ngoài việc tự cân đối bằng ngân sách, Thanh Hoá cũng đã tính đến việc đề nghị Chính phủ giúp đỡ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn là một lý do muôn thuở  và đã trở nên lãng xẹt, đó là đồng bào thiếu đất để trồng lúa nước, số còn lại trồng ở nương rẫy lại bị hạn hán.
Dân đói thì phải cứu dân, nhưng có điều lạ là tại sao Thanh Hoá lại để tình trạng này kéo từ năm này sang năm khác mà không tìm được một giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết như di dân, dãn dân hoặc giúp dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang ngành nghề khác.
Cho con cá thì dễ, nhưng cái mà dân cần chính là chiếc cần câu thì chờ mãi mà chẳng thấy đâu.
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre quê hương Đồng Khởi, hơn 1.000 doanh nghiệp chế biến dừa đang la làng vì bị “nước lạ” xâm nhập, tước đoạt quyền lợi hợp pháp của họ.
Số là thời gian qua, thương lái từ Trung Quốc đã đưa tàu thuyền sang neo đậu ở sông Hàm Luông thu mua dừa với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước. Bình quân mỗi vụ có tới 100 triệu trái dừa Bến Tre đi “làm dâu” xứ người, chiếm 1/4 sản lượng dừa toàn tỉnh.
Điều đó khiến cho dừa nguyên liệu bị thiếu hụt nghiêm trọng và làm ảnh hưởng tới đời sống của hơn 20.000 lao động.
Nhưng điều khiến trên 70 doanh nghiệp và trên 1.000 cơ sở cá thể sản xuất, chế biến các sản phẩm dừa “tức tưởi” nhất, đó là trong khi họ phải nộp 5% thuế suất để thu mua dừa nguyên liệu, thì cái anh chàng “nước lạ” này lại không phải chịu một đồng tiền thuế nào.
Điều lạ là, dù biết rõ điều này nhưng chính quyền Bến Tre vẫn không có một động thái nào khả dĩ để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp phải  chịu  “thua trên sân nhà” kiểu này.
Một diễn biến khác, tại Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và một số tỉnh ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp hồ tiêu cũng thở than rền rĩ trước việc “nước lạ” hớt tay trên nguồn lợi trị giá nhiều tỉ đồng của họ.
Để “qua mặt” chính quyền và Hiệp hội hồ tiêu, các thương lái “nước lạ” đã sử dụng xe tải nhỏ hoặc xe du lịch luồn lách vào tận các nương tiêu hoặc các hộ gia đình trồng tiêu để thu mua với giá cao hơn 1 đến 2 giá so với các doanh nghiệp trong nước thu mua.
Với chiêu thức này, hàng trăm tấn hồ tiêu đã “xuống núi” ngược về phương Bắc.
Lại thêm một điều lạ là, chính quyền địa phương thừa biết tỏng tòng tong cái trò “ăn bẩn” này của thương gia “nước lạ”, nhưng gần như họ bị bó tay bó chân sao đó, đến mức ông Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cũng phải thừa nhận, đó là không có giải pháp nào khác ngoài việc vận động người trồng tiêu tự giác bán cho doanh nghiệp trong nước.
Trời ạ! Nếu vận động được như thế thì nước ta đã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH từ lâu lẩu lầu lâu rồi.
Bài này được đăng lúc 8:00 Sáng ngày Thứ Sáu, 06 Th

0 nhận xét:

Đăng nhận xét