Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Những ngôi sao lấp lánh

Mô kể chuyện này để mọi người nghe:
Số là hôm nay Mô đi dự họp phụ huynh cho nhỏ nhóc nhà Mô về.
Toạ lạc trên một khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây xanh, xa đường lớn, ngôi trường đầy đủ tiện nghi hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học cho thầy và trò. Điều dễ nhận thấy là trường hoàn toàn không có những câu khẩu hiệu nghe thì “sáng choang”
nhưng lại hết sức vô hồn, hình thức, thậm chí nhảm nhí theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, đại loại như: “Học, học nữa, học mãi’, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Quyết tâm xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp”, hoặc những câu khẩu hiệu chẳng khác gì tát vào mặt ngành giáo dục: “Quyết tâm chống tiêu cực trong nhà trường”, “Quyết tâm chống tình trạng chạy trường, chạy điểm”…
Khi Mô đem điều này hỏi cô chủ nhiệm của Nhỏ, được cô cho biết nhà trường không cần phải dùng những thứ khẩu hiệu đó vì đã đáp ứng đầy đủ mọi quy chuẩn rồi thì chẳng cần hô hào, đâu vẫn vào đấy.
Đúng như cô chủ nhiệm nói. Ở trường Nhỏ học hoàn toàn không có chuyện nhà trường và giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền bỏ túi. Lại càng không có chuyện học hai ca, ba ca. Khi lên lớp, giáo viên dồn hết tâm huyết, tài năng và lòng yêu trẻ để giảng bài cho các em nghe một cách thấu đáo. Đổi lại, học sinh cũng học hành một cách chăm chỉ.
Do vậy, kết thúc năm học chỉ có một vài em học lực khá, còn lại đều đạt xuất sắc.
Đặc biệt ở trường, không có tình trạng học sinh gây gổ, đánh nhau, quay phim cảnh lột áo bạn nữ rồi đưa lên vi đeo cờ líp. Không có tình trạng yêu đương giữa trò với trò, trò với thầy, thầy với cô, thầy cô với phụ huynh…
Tất cả học sinh của trường đều là con ngoan, trò giỏi.
Điều đáng nói là phụ huynh chỉ việc cho con em đến trường, học sinh chỉ việc học, hoàn toàn không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, vì việc thu phí này đã được bãi bỏ.
Những ngày lễ, tết; phụ huynh và học sinh đến chúc mừng thầy cô, ngoài những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp ghi lời chúc, tuyệt nhiên không có chuyện “hối lộ” thầy cô bằng những chiếc phong bì bên trong chứa tiền. Điều đó đối với các thầy, các cô là một sự sỉ nhục không có gì đáng nhục hơn và đó cũng được xem là nỗi hổ nhục bậc nhất đối với phụ huynh, học sinh.
Nói một cách ngắn gọn nhất, tuy đó là chỉ một ngôi trường thuộc dạng trung bình của thành phố, nhưng phụ huynh như Mô có thể yên tâm về mọi mặt khi gửi gắm con em mình vào học.
Ngay cả buổi họp phụ huynh này cũng vậy, ngoài việc cô giáo và phụ huynh thảo luận về việc làm sao cho công tác dạy và học được tốt hơn, tuyệt nhiên không thấy nói gì đến việc thu tiền, không hề nghe cô giáo hoặc phụ huynh phàn nàn về chất lượng dạy và học hoặc chuyện trò hư, con hỏng.
Kết thúc buổi họp, cô giáo chủ nhiệm bắt tay và tiễn từng phụ huynh ra cửa với nụ cười thân thiện luôn đọng trên môi.
Miên man với ấn tượng buổi họp, khi đi qua ngã ngã Tư;  Mô vô tình không chú ý đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ. Một tiếng còi ngắn, nhỏ vừa đủ nghe cất lên.
Biết rằng mình đã phạm lỗi, Mô xấu hổ (mặc cỡ) vô cùng, liền đi tới chỗ chú cảnh sát giao thông đang đứng.
Vẻ mặt chú cảnh sát hiền khô, nhưng rất nghiêm trang và lịch sự. Chú đứng nghiêm chào Mô rồi lễ phép nói cho Mô biết lý do tại sao chú phải thổi còi, rồi yêu cầu Mô cho kiểm tra giấy tờ.
Mô xin lỗi chú cảnh sát, rồi đưa giấy tờ không quên kèm theo trong đó là một tờ giấy bạc hai mươi nghìn đồng.
Chú cảnh sát nghiêm nét mặt, cảnh cáo Mô không được hối lộ người đang thi hành công vụ. Ngỡ rằng chú chê ít, Mô đưa thêm cho chú tờ năm mươi ngàn. Ai ngờ chú càng nghiêm khắc hơn, tuy không to tiếng, nhưng những gì chú nói khiến Mô vô cùng thán phục và Mô thực sự hiểu ra rằng chuyện vòi tiền mãi lộ ở thành phố này tuyệt nhiên không có.
Mô rối rít xin lỗi chú lần sau không dám tái phạm cả về Luật giao thông đường bộ lẫn Luật chống tham nhũng.
Có lẽ thấy Mô nghèo, cũng có thể đây là lần đâu Mô phạm luật, nên chú cảnh sát chỉ nhắc nhở rồi cho đi.
Mô phấn khởi tiếp tục cuộc hành trình, lòng tràn ngập niềm kính trọng sự liêm khiết, trong sáng, tất cả vì nhân dân phục vụ của chú cảnh sát. Mô thầm nghĩ chú là cấp nhỏ mà tốt như rứa, thì chắc chắn cấp to hơn chú thì sẽ còn tốt hơn chú ngàn vạn lần nữa chứ.
Định bụng về nhà sẽ chia sẻ với cô bạn ăn chung nồi, ngủ chung giường, sinh chung con với miềng. Nhưng một tin dữ ngay từ đầu ngõ, vợ Mô bị đau đột ngột, đã được hàng xóm đưa đi cấp cứu.
Mô vội vàng lao ngay tới bệnh viện.
May sao, nhờ được cứu chữa kịp thời với đội ngũ thầy thuốc tận tình yêu nghề, yêu bệnh nhân, cơn nguy kịch của vợ Mô đã qua. Tuy nhiên, để phòng ngừa tái phát và các di chứng khác, các bác sỹ vẫn đang phải tiếp tục theo dõi…
Vợ Mô nằm thiêm thiếp trên giường bệnh được phủ ga trắng muốt, bên cạnh là những y tá, bác sỹ đang chăm sóc. Không riêng gì Nàng, tất cả bệnh nhân ở đây đều được phục vụ tận tình như thế. Bệnh viện sạch sẽ như lau như li. Bệnh nhân mỗi người được nằm một giường, chứ không có tình trạng một giường ba đến bốn bệnh nhân, thậm chí phải đặt cả bệnh nhân nằm dưới đất hoặc ngoài hành lang.
Người nhà bệnh nhân không phải trực tiếp chăm sóc, tất cả đều do nhân viên bệnh viện đảm nhiệm. Người nhà chỉ được phép mỗi tuần vào thăm một lần theo giấy hẹn của khoa, nên không có tình trạng người nhà, bệnh nhân chen chúc nhau vừa lộn xộn vừa ô nhiễm. Có lẽ nhiệm vụ duy nhất của người nhà, đó là khi nào bệnh nhân thực sự khỏi bệnh, được xuất viện thì mới đến đón về. Nếu có nguyện vọng hoặc bệnh nhân neo đơn, bệnh viện sẽ cho xe rước bệnh nhân về tận nhà…
Để các bác sỹ quan tâm đến vợ mình hơn, Mô đã hỏi và tìm đến những y, bác sỹ đã trực tiếp thăm khám và chữa bệnh cho Nàng. Mỗi y, bác sỹ Mô đều chuẩn bị một phong bì trong đó chứa một khoản tiền tương ứng với vai trò của từng người trong quá trình khám, chữa bệnh cho vợ Mô.
Nhưng Mô đã nhầm! Hay nói đúng hơn là Mô đã bị những y, bác sỹ từ chối nhận phong bì và nghiêm khắc phê bình. Tất thảy họ đều ôn tồn giải thích cho Mô rằng trách nhiệm của họ là cứu chữa cho bệnh nhân bằng tất cả khả năng của mình.
Danh dự lương tâm người thầy thuốc không cho phép họ được nhận tiền của bệnh nhân hoặc của người nhà, vì đó là sự sỷ nhục đáng ghê tởm nhất, là hành vi vô đạo nhất của người thầy thuốc. Thậm chí có vị còn nói, việc đưa tiền hối lộ của Mô khiến họ lúng túng trong việc chăm sóc điều trị cho vợ Mô.
Mô nhận ra khuyết điểm của mình, rối rít xin lỗi và cảm thấy ân hận vô cùng khi mình vô tình xúc phạm đến những người thấy thuốc không những là người mẹ hiền mà còn là người cha, người mẹ gián tiếp tái sinh nhân mạng.
Thực ra, trường học, công an, bệnh viện mà Mô vừa kể ở trên chỉ đại diện cho chuẩn mực đạo đức, văn minh và sự đối đãi giữa người với người, giữa công dân đối với xã hội ở thành phố Mô đang sinh sống mà thôi. Đơn giản cũng vì không thể liệt kê hết ra đây được. Chỉ mong bạn đọc hiểu cho rằng thành phố nơi Mô sống không có tệ nạn xã hội, không có tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, móc ngoặc, ê kíp chạy chức chạy quyền…
Chợt Mô thấy đau điếng và một giọng nói rít lên bên tai: “Gì mà ông kêu gào dữ thế, có để yên cho tôi ngủ không thì bảo”.
Mô giật mình thức giấc!
Hoá ra đó chỉ là một giấc mơ!
Có lẽ ngày nào cũng phải đọc trên báo chí nước nhà đưa tin những tiêu cực trong nhà trường. Tình trạng công an đòi mãi lộ, hạch sách thậm chí đánh chết dân. Tình trạng vô trách nhiệm, thờ ơ đối với mạng sống và vòi vĩnh tiền của bệnh nhân trong các bệnh viện. Cũng như những tiêu cực, những vấn đề đạo đức suy đồi đầy rẫy trong mọi ngóc ngách của đời sống, đã thôi thúc, đã khiến Mô khao khát được sống trong một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, vì thế đêm ngủ mới mơ một giấc mơ như thế.
Bị vợ cấu cho một cái đau điếng, Mô thao thức không tài nào ngủ được nữa, mắt chong chong nhìn lên mái nhà xơ xác, nơi có một lỗ thủng toang hoác. Nhìn xuyên qua lỗ thủng đó, Mô thấy một khoảng trời tối đen.
Trong cái màu đen ma quái đó, Mô thấy thấp thoáng những vì tinh tú, những ngôi sao đang lấp lánh trong đêm. Nhưng chúng  ở rất xa…xa lắm…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét