Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Đằng sau sự tham chiến của Mỹ tại Libya

Mỹ tuyên bố chỉ thực hiện hành động quân sự hạn chế tại Libya và nhanh chóng "buông" quyền chỉ huy chiến dịch là những chiến thuật giúp Washington tránh một cuộc chiến kiểu Iraq hay Afghanistan.

Ảnh: AFP
Tổng thống Barack Obama đang nói về Libya khi thăm Nam Mỹ. Ảnh: AFP
Ngay từ đầu, người đóng vai trò mang tính quyết định đối với chiến dịch Libya không ai khác là Tổng thống Mỹ Barack Obama, chủ nhân của giải Nobel Hoà bình hai năm trước. Chỉ hai tháng sau khi nhận giải thưởng này, ông chủ Nhà Trắng đã đẩy mạnh cuộc chiến Afghanistan bằng cách tăng thêm 30.000 quân đến đây.
Cuối tuần trước ông lệnh cho quân đội oanh tạc Libya với sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc trong vai trò chỉ huy liên quân. Tính trên những sự kiện trên thì ông Obama vốn được coi là "yêu hoà bình ghét chiến tranh" lại có nhiều can dự đến xung đột không kém người tiền nhiệm bị chỉ trích là "hiếu chiến" George Bush.
Tổng thống Obama thông báo với dân Mỹ về việc nhảy vào cuộc chiến Libya hôm 19/3: "Hôm nay tôi đã cho phép quân đội Mỹ bắt đầu hành động quân sự hạn chế ở Libya. Chúng ta sẽ không phái bộ binh đến đây và Mỹ hành động chung với một liên minh". Ông cũng cam kết can thiệp của quân Mỹ tại Libya sẽ chỉ kéo dài "vài ngày chứ không phải vài tuần".
Trong khi hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq vẫn chưa giải quyết được dứt điểm, việc Mỹ lại nhảy vào một cuộc xung đột khác cũng liên quan đến một nước Hồi giáo đã khiến người dân nước này "mất hứng". Các cuộc thăm dò dư luận do Gallup và hai kênh truyền hình CBSCNN tiến hành cho thấy rõ điều này.
Các cuộc thăm dò cho thấy có chưa đến 50% người được hỏi ủng hộ hành động can thiệp vào Libya của ông Obama. Đây là con số khác thường vì khi mở màn một chiến dịch quân sự các tổng thống Mỹ đều nhận được nhiều sự ủng hộ. Ví dụ khi ông Bush khai chiến ở Afghanistan năm 2001, ông nhận được 90% sự ủng hộ của người dân. Thậm chí trong giai đoạn đầu cuộc chiến Iraq năm 2003, ông vẫn nhận được trên 60% ủng hộ.
Tại sao ông Obama lại không được ủng hộ như người tiền nhiệm Bush khi tham chiến ở Libya? Để trả lời câu hỏi này có thể quay lại chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2008 của ông với tuyên bố: "Chúng ta cần phải đánh giá tốt hơn khi quyết định cử những người trẻ của mình vào cuộc chiến". Ông nêu ra ba yếu tố quyết định để có thể can dự vào bất cứ cuộc xung đột nào đó là "mối đe doạ cận kề", "bảo vệ các lợi ích của Mỹ" và "có khả năng thành công và lối thoát an toàn".
Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy không có nhiều người bị thuyết phục rằng Libya là mối de doạ cận kề hay "rất quan trọng" đối với lợi ích của Mỹ. Nhiều người cũng bắt đầu lo ngại sự dính líu tới Libya có thể đẩy Mỹ rơi vào cuộc chiến tốn kém khác như ở Iraq. Cuộc không kích Libya cũng sắp tròn một tuần, trong khi ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ ngừng tham gia cuộc xung đột này trong vài ngày.
Chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle. Ảnh: Airforce
Rơi một chiếc F-15E Strike Eagle xuống Libya hôm 22/3 là tổn thất đầu tiên của Mỹ trong chiến dịch. Ảnh: Airforce

Libya khác với Yemen và Bahrain

Nhà Trắng khẳng định sứ mệnh quân sự ở Libya là rõ ràng, vì nếu không hành động chống đại tá Gadhafi sẽ dẫn đến một cuộc diệt chủng kiểu Rwanda và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến cả vùng Bắc Phi bất ổn. Nói cách khác Washington tuyên bố can thiệp quân sự vào Libya là nhằm bảo vệ dân thường nước này khỏi các "cuộc tấn công tàn bạo của chế độ Gadhafi".
Nhưng trên thực tế, không chỉ Libya mà còn có hai nước khác trong làn sóng biểu tình Bắc Phi và Trung Đông cũng xảy ra việc chính quyền cho bắn thẳng vào người chống đối gây thương vong là Yemen và Bahrain. Nhưng rốt cuộc Mỹ chỉ can thiệp quân sự vào Libya, trong khi chỉ phản đối các hành động đàn áp tại Yemen và Bahrain bằng lời nói.
Cũng không khó hiểu về điều này khi hai nước mà Mỹ "giơ cao đánh khẽ" đều là đồng minh của Washington, trong đó Yemen là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là mạng Al-Qaeda. Tình huống này khiến chính quyền Obama thận trọng trong việc gây áp lực đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.
Trong khi đó, Bahrain là nơi đặt căn cứ của hạm đội 5 hải quân Mỹ, vốn có nhiệm vụ đảm bảo lưu thông cho vùng Vịnh và Eo biển Hormuz, nơi có 40% các tàu chở dầu của thế giới qua lại. Kể từ khi quân Mỹ rút khỏi Ảrập Xêút, các căn cứ khác của họ trong vùng như tại Bahrain ngày càng trở nên quan trọng.
Trái ngược với Yemen và Bahrain, Libya từ lâu đã là cái gai đối với Mỹ và phương Tây do chính sách quay lưng đối với họ của chế độ đại tá Muammar Gadhafi. Dù đây là cơ hội "nhổ gai" quý giá, ban đầu Mỹ cũng thận trọng vì lo ngại có thể phải đối mặt với cuộc chiến tranh khác sau Afghanistan và Iraq. Washington chỉ tỏ ra "bạo dạn" hơn sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Ảrập và các đồng minh châu Âu.
Nếu lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi bị gạt bỏ nhanh theo mong muốn của Mỹ và phương Tây, quyết định can thiệp quân sự của Tổng thống Obama có thể sẽ "kết thúc có hậu" đối với ông. Nhưng nếu ngược lại và quân đội Mỹ phải hứng chịu thương vong, có thể bài học can thiệp vào Somali năm 1993 sẽ lặp lại. Khi đó quân đội Mỹ đã sớm phải cuốn gói khỏi Somali sau khi 18 binh sĩ bị hạ sát chỉ trong một trận đánh.
Cũng để tránh một kết cục như tại Afghanistan và Iraq khi Mỹ cầm đầu liên quân rồi một mình hứng chịu gánh nặng chiến tranh dai dẳng, ông Obama tuyên bố rằng đây chỉ là hành động quân sự hạn chế của Mỹ. Quan điểm này được hiện thực hoá chỉ vài ngày sau cuộc không kích hôm 19/3, khi Washington tuyên bố trao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO để chỉ đóng vai trò hỗ trợ như các đồng minh khác.
Tuy nhiên, chế độ của đại tá Muammar Gadhafi được dự đoán là không dễ gạt bỏ và điều này sẽ khiến chiến dịch Bình minh Odysse của liên quân do Mỹ, Anh, Pháp đóng vai trò chính sẽ không biết khi nào mới chấm dứt. Do đó, việc Tổng thống Obama "lỡ" tuyên bố sự can thiệp của Mỹ sẽ chấm dứt trong vài ngày có thể sẽ biến sự can thiệp vào Libya thành một canh bạc chính trị đối với ông.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét