Đây là blog dự phòng của tôi. Blog chính tại địa chỉ: http://moterangrua.wordpress.com. Tuy nhiên, blog này vẫn đáp ứng sự tin cậy và yêu mến của các bạn!

Cảm ơn và xin lỗi

Quan chức Nhật bản đang cúi đầu xin lỗi nhân dân

Chỉ trong một thời gian ngắn, lãnh đạo công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã phải hai lần gập mình xin lỗi người dân Nhật Bản trong một cuộc họp báo, thừa nhận họ đã đánh giá quá thấp trận động đất và sóng thần vừa qua.
Lần thứ hai vừa mới đây, Phó chủ tịch Muto Sakae và các cộng sự lại phải gập mình xin lỗi  về thông báo sai  mức phóng xạ ban đầu là 10 triệu lần. Thực tế cho thấy bức xạ trong nước vẫn còn đáng lo ngại là 100.000 lần cao hơn bình thường, thay vì 10 triệu lần cao hơn như ban đầu ghi. Mặc dù mức này người ta vẫn phải sơ tán các nhân viên đang làm việc tại nhà máy. Tuy vậy,  Muto đã nói: “Tôi rất xin lỗi … tôi muốn chắc chắn rằng đó là một sai lầm sẽ không xảy ra lần nữa.”
Không chỉ biết xin lỗi, Chính phủ và các bộ, ngành ở Nhật Bản còn biết nói lời cảm ơn trước những gì mà người dân Nhật Bản đã vượt qua trong thảm cảnh, để cùng chính quyền khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Điều đó có đáng cho ta suy ngẫm?
Nhìn lại thời gian qua, ở nước ta đã xảy ra hàng loạt vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.Nhiều vụ việc tiêu cực với tính chất đặc biệt nghiêm trọng khiến cho dư luận bất bình, nhân dân giảm lòng tin.
Lĩnh vực kinh tế đã xảy ra nhiều vụ tiêu cực, gây tổn thất lớn cho tài sản Nhà nước như vụ Vinahsin gây thất thoát trên 80 nghìn tỷ đồng. Ngành điện lực liên tục cắt điện luân phiên cả mùa hè lẫn mùa đông  diện rộng trên cả nước…
Một số ngành bảo vệ cho nền kinh tế phát triển như Hải quan, Quản lý thị trường…cũng đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, khiến công luận phải mất khá nhiều giấy mực, dư luận hết sức bất bình.
Đặc biệt, những ngành trực tiếp liên quan đến cuộc sống thường nhật của nhân dân và luôn được đề cao là những ngành đáng được tôn vinh nhất, tình trạng tiêu cực cũng không kém phần “sôi động” như:
Ngành Giáo dục liên tiếp xảy ra  những vụ giáo viên hiếp dâm, mua dâm học sinh và trẻ vị thành niên; giáo viên buôn bán ma tuý; học trò đâm chém, đánh đập nhau, chất lượng dạy và học kém, tình trạng mua bán điểm, chạy trường, chạy lớp tràn lan…
Ngành Y tế được nhận định là tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều cấp độ, có tính chất nghiêm trọng, được tìm thấy trong cả 3 lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ tại cơ sở y tế và quản lý bảo hiểm y tế.
Ngành Công an để xảy ra nhiều vụ cảnh sát đánh chết dân; những tiêu cực trong lực lượng như nhận hối lộ của lực lượng CSGT, CSKT…
Có thể nói, ở bất kỳ ngành nào, cấp nào cũng để xảy ra nhiều vụ tiêu cực, gây phẫn nộ, bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân.
Thế nhưng, nào chúng ta thấy được một lần lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị đó đưa ra một lời xin lỗi.
Trong các báo cáo sơ tổng kết chỉ thấy nêu lên toàn là thành tích. Những sai phạm thì được dùng một mỹ từ êm tai đó là “một số tồn tại”. Nhưng “một số tồn tại” này cũng chỉ nêu một cách chung chung, chiếu lệ. Có vẻ như người ta rất thích dùng cụm từ “một số”. Ví dụ như: Một số đồng chí cán bộ còn thiếu gương mẫu, một số nơi còn để xảy ra tiêu cực, tham nhũng; một số địa phương chưa làm tốt công tác này nọ…
Quốc hội là diễn đàn của các vị nghị sỹ đại diện cho tiếng nói của nhân dân, nhưng hình như tại diễn đàn này người ta chưa nghe được một lời xin lỗi công khai của các vị lãnh đạo bộ, ngành. Có chăng cũng chỉ là nhận khuyết điểm chung chung và nguỵ biện bằng những lý do khách quan này nọ.
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, mặc dù có nhiều vấn đề các đại biểu và nhân dân không đồng tình, nhưng các báo cáo phần lớn cũng chỉ thấy nêu lên thành tích và hoàn toàn không hề có một lời xin lỗi nào, mặc dù người ta vẫn phải thừa nhận những tồn tại trong công tác điều hành này nọ..
Xin lỗi không có. Lời cảm ơn nhân dân cũng tuyệt nhiên không.
Nhân dân ta đáng được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, đơn vị, địa phương cảm ơn lắm chứ!
Trong nhiều chục năm qua, nhân dân đã đồng cam cộng khổ cùng Đảng, Nhà nước vượt qua biết bao khó khăn thử thách.
Mặc dù chúng ta thường xuyên ca ngợi chế độ ta tươi đẹp, là dân chủ, là  văn minh…Nhưng người dân ta vẫn còn rất nghèo, đời sống của đa số người dân lao động vẫn hết sức bấp bênh. Đồng lương cán bộ CNVC chưa đủ sống…Tất cả điều đó, nếu suy cho cùng là khuyết điểm của các cấp lãnh đạo khi chưa đáp ứng được sự tín nhiệm của nhân dân đã giao phó cho họ.
Nhưng người dân ta vẫn không kêu ca phàn nàn, vẫn gồng sức lên mà lo liệu cuộc sống, mà đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước.
Trận lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung năm ngoái là một ví dụ điển hình. Hàng trăm người chết và mất tích, tài sản bị phá huỷ. Nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng, theo Nhà nước mà không một lời kêu ca oán thán, mặc dù trong tổn thất đó có cả nguyên nhân do việc triển khai ồ ạt các nhà máy thuỷ điện ở thượng nguồn gây nên, mà đồng chí Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng thắn thừa nhận.
Nhân dân ta tốt thế, sao không thấy bộ, ngành nào cảm ơn? Ngược lại có vẻ như họ đòi hỏi ở dân phải cảm ơn họ thì phải. Việc đòi hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân là một ví dụ điển hình.
Vậy nên, dù có làm tốt mấy đi chăng nữa (như Công ty điện lực Tepco của Nhật Bản chẳng hạn) cũng có khi sơ suất, sai lầm. Lúc này, một lời xin lỗi là hết sức cần thiết. Nhân dân vốn có truyền thống bao dung độ lượng sẽ sẵn lòng tha thứ. Chẳng mất gì, ngược lại còn được. Được lòng tin, được sự ủng hộ của nhân dân.
Thành công của các bộ, ngành, đơn vị chính là do sự đóng góp của nhân dân. Thế nên, một lời cảm ơn đúng lúc sẽ là động lực thúc đẩy mọi người đồng lòng, góp sức để xây dựng thành quả chung ngày càng tốt hơn.
Suy cho cùng, xin lỗi và cảm ơn là nét văn minh sơ đẳng nhất của con người, nhưng hình như chúng ta còn thiếu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét